Ăn ít thịt hơn có thể cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Dưới đây là 4 lợi ích khi tiêu thụ lượng thịt vừa phải.
Cắt giảm thịt có lợi cho tim
Thịt là nguồn cung cấp protein cho cơ thể. Tuy nhiên, thịt đỏ, thịt qua chế biến chứa chất béo chuyển hóa, bão hòa, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến bệnh tim. Thịt chế biến sẵn cũng chứa nhiều muối, góp phần tăng huyết áp.
Nguồn protein thực vật là lựa chọn lành mạnh hơn với trái tim. Chúng bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây và rau. Ưu tiên thực phẩm nguyên chất thay vì sản phẩm tinh chế như ngũ cốc tinh chế, bánh mì trắng, gạo trắng.
Hỗ trợ giảm cân
Trường Đại học Erasmus, Hà Lan, nghiên cứu tác động của chế độ ăn thực vật, động vật đến quá trình giảm cân ở hơn 9.000 người. Họ chia thành ba nhóm gồm nhóm ăn chay (ăn nhiều sản phẩm từ thực vật, ít thịt), nhóm thuần chay (chỉ ăn thực vật) và nhóm còn lại ăn ít thực vật, nhiều thịt.
Kết quả đăng trên Pubmed vào năm 2019 cho thấy nhóm ăn chay và thuần chay có chỉ số khối cơ thể (BMI), tỷ lệ mỡ thấp hơn, chu vi vòng eo nhỏ hơn nhóm còn lại.
Phòng ngừa ung thư
Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, như thịt xông khói, xúc xích, các loại thịt hun khói, đã qua xử lý khác, có liên quan đến nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Quá trình chế biến thịt ở nhiệt độ cao tiềm ẩn lượng chất béo bão hòa và hợp chất khiến khối u phát triển.
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR), chế độ ăn chủ yếu là rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt, ít sản phẩm từ động vật hỗ trợ phòng chống ung thư. Chúng giàu chất dinh dưỡng chống ung thư như chất xơ, vitamin, khoáng chất và phytochemical.
Cải thiện sức khỏe đường ruột
Chất xơ trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong ruột để tạo ra hợp chất chống viêm và hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể.
Vi khuẩn đường ruột cũng đóng vai trò ngăn chặn một số tế bào ung thư phát triển, chống lại bệnh tiểu đường type 2. Protein và polyphenol có trong sản phẩm từ thực vật giúp duy trì đường ruột khỏe mạnh.
Theo Mayo Clinic, mỗi người không nên tiêu thụ quá 85 g thịt mỗi bữa và lý tưởng vài lần một tuần. Khẩu phần này tương đương nửa phần ức gà không xương, không da, một chiếc chân gà không da hoặc hai lát thịt bò nạc mỏng. Loại thịt đỏ (như thịt bò, thịt lợn, cừu, dê) nên tiêu thụ ở mức 1-2 bữa mỗi tuần, tương đương 170 g hoặc ít hơn. Người mắc bệnh tim, cholesterol cao hạn chế ở mức 85 g thịt đỏ mỗi tuần.
Giảm lượng thịt ăn vào nhưng không cần cắt bỏ hoàn toàn có thể mang tới lợi ích. Dưới đây là một số cách để ăn ít thịt hơn.
Thay thịt đỏ bằng gia cầm hoặc cá: Ức gà, gà tây, hải sản đều cung cấp protein lành mạnh, ít chất béo bão hòa.
Thử nguồn protein từ thực vật: Nhiều loại thực phẩm thực vật cung cấp protein lành mạnh như đậu đen, đậu xanh, đậu pinto, đậu lăng, các loại hạt và đậu phụ. Chúng phù hợp để thay thế thịt trong bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.
Kết hợp linh hoạt: Đặt mục tiêu thử một loại thực phẩm thực vật mới mỗi tuần như các loại đậu trong tuần này, đậu phụ trong tuần tới và các loại hạt ở tuần sau đó.
Thay đổi chậm dần: Người thường ăn nhiều thịt nên thay dần thực phẩm từ thực vật. Ban đầu có thể cắt giảm 2-3 ngày một tuần và sau đó cố gắng không ăn thịt trong một tuần.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |