Đánh răng giúp ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn từ thức ăn mắc kẹt trên răng, nướu. Những vi khuẩn này tạo ra các hợp chất lưu huỳnh có thể dẫn đến hôi miệng nếu chúng không được chải sạch. Tuy nhiên, không phải lúc nào đánh răng cũng giúp khắc phục tình trạng hôi miệng. Dưới đây là một số lý do khiến hơi thở có mùi dù khoang miệng đã được vệ sinh sạch sẽ.
Sâu răng và bệnh nướu răng
Vi khuẩn gây hôi miệng ẩn náu trong các lỗ sâu trên răng, gây khó khăn cho việc loại bỏ chúng. Những vi khuẩn này cũng có thể do bệnh nướu răng gây ra.
Khô miệng
Nước bọt giúp cân bằng hệ vi khuẩn trong miệng, khiến việc nhai, nuốt trở nên dễ dàng hơn. Tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt sẽ gây ra khô miệng. Tình trạng này có thể khiến vi khuẩn tích tụ trên răng, gây hôi miệng và tăng nguy cơ sâu răng, bệnh nướu răng. Uống nhiều loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu có thể dẫn đến khô miệng.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
GERD là tình trạng rối loạn tiêu hóa khiến các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản, có thể gây hôi miệng, hơi thở có mùi chua. Tình trạng này cũng khiến người bệnh ợ nóng, có vị chua hoặc đắng trong miệng.
Mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát dẫn đến một tình trạng sức khỏe nguy hiểm như nhiễm toan ceton do tiểu đường. Hơi thở có mùi ngọt hoặc mùi trái cây là một trong những triệu chứng của bệnh.
Thức ăn
Một số loại thực phẩm như hành và tỏi có thể đọng lại trong hơi thở ngay cả sau khi bạn đánh răng. Ví dụ, bạn có thể mất một ngày hoặc nhiều thời gian hơn để hơi thở có mùi tỏi biến mất.
Hút thuốc lá
Hơi thở hôi do khói thuốc đọng lại. Khói thuốc lá cũng làm khô miệng và tăng nguy cơ phát triển bệnh nướu răng, hai nguyên nhân góp phần gây hôi miệng.
Bên cạnh đó, chế độ ăn kiêng low carb khiến cơ thể đốt cháy chất béo để làm nhiên liệu, giải phóng ceton trong hơi thở và nước tiểu. Sự tích tụ ceton có thể gây ra những thay đổi về mùi hơi thở.
Ngoài vệ sinh răng miệng, có một số biện pháp khắc phục tại nhà khác như uống nhiều nước. Nếu nguyên nhân cơ bản khiến hơi thở có mùi là do khô miệng thì tăng lượng nước uống mỗi ngày giữ cho miệng được bôi trơn nhiều hơn. Bạn cũng có thể thử nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nhiều nước bọt.
Chanh có tính axit, kháng khuẩn và ngừa vi khuẩn gây hôi miệng. Vị chanh rất dễ chịu khi trộn với nước, đôi khi được sử dụng để sơ chế đồ ăn có mùi tanh hoặc vệ sinh nhà bếp. Cách pha chế nước súc miệng chanh là trộn một thìa nước cốt chanh với một cốc nước ấm để trung hòa axit của chanh, sử dụng hàng ngày.
Nếu tình trạng hôi miệng vẫn tiếp diễn dù đã vệ sinh răng miệng, bạn nên thăm khám. Nha sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân và giúp người bệnh cải thiện tình trạng gặp phải.
Lê Nguyễn (Theo Healthline)