Bệnh nhân tiểu đường thường phải đối mặt với mức cholesterol cao hơn mức trung bình. Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt lượng đường trong máu cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về cholesterol cao, gây tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và các vấn đề tim mạch khác. Các lưu ý chọn nguồn dinh dưỡng sau giúp giữ mức cholesterol ổn định, hỗ trợ bệnh nhân an tâm chọn lựa thực phẩm thích hợp.
Bệnh nhân nên lưu ý nguồn đường ẩn có mặt trong một số thực phẩm thường nhật. Đường huyết thường tăng lên trong chế độ ăn tự nhiên khi ăn trái cây tươi. Lượng đường ẩn có mặt trong các chất phụ gia thường không được để ý đến (như nước trái cây đóng chai, nước sốt cà chua đóng hộp, nước sốt ướp thịt nướng...). Theo hướng dẫn về chế độ ăn uống của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, bệnh nhân tiểu đường nên giữ lượng đường bổ sung ở mức dưới 10% lượng calo được khuyên nạp mỗi ngày. Họ cũng nên lưu ý đọc thành phần trên bao bì sản phẩm, cân nhắc mức GI có trong các loại trái cây, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng vào bữa ăn.
Chất béo bão hòa có trong protein động vật và thịt chế biến, một số loại dầu thực vật, các sản phẩm từ sữa và đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn gây tăng mức cholesterol xấu (chất béo LDL) trong cơ thể. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị bệnh nhân nên nạp ít hơn 5-6% chất béo bão hòa (trên tổng lượng calo hàng ngày). Ví dụ, bệnh nhân được khuyến nghị nạp 2.000 calo trong ngày thì lượng chất béo bão hòa không nên vượt quá 120 calo (khoảng 13 g).
Về lượng carbohydrate, Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK) cho biết, không có lượng carbohydrate (carbs) chuẩn mực hàng ngày dành cho bệnh nhân tiểu đường. Lượng carbs khuyến nghị sẽ khác nhau tùy thể trạng, bệnh lý, được tính bởi trọng lượng, độ năng động và mức độ nhạy insulin ở mỗi cơ địa. Khuyến nghị chung cho hầu hết bệnh nhân là nên nạp trong khoảng 45-65% tổng lượng calo từ lượng carbs. Ví dụ, 1 g carbohydrate được chuyển hóa thành 4 calo. Người bệnh tiểu đường được khuyến nghị nạp 1.800 calo sẽ nhận được 202,5 g carb mỗi ngày.
Người bệnh nên chọn carb phức hợp, có mặt trong các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ có chứa tinh bột (khoai tây, bí đỏ), mì ống và bánh mì. Bệnh nhân tiểu đường đang dùng insulin và đang theo dõi lượng đường trong máu trước và sau bữa ăn không nên quá lo lắng, chú trọng ăn uống theo chỉ định của bác sĩ. Carb tinh chế, gồm thực phẩm làm từ tinh bột và thức ăn chứa đường không giàu xơ, ít dinh dưỡng nên thường được tiêu hóa nhanh gây tăng insulin đột ngột; gây tăng cân và tăng đường huyết.
Người bệnh tiểu đường cũng nên tăng cường nạp chất xơ từ các thực phẩm gần gũi, như đậu, táo, bột yến mạch... Đây là nhóm thực phẩm góp phần giúp giảm cholesterol và giữ mức đường huyết ổn định. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến khích người bệnh tăng từ từ lượng chất xơ nạp vào hàng ngày (tăng ít nhất 25 g ở phụ nữ, 38 g ở nam giới). Bạn cũng có thể thay một nửa khẩu phần ăn bằng rau củ không chứa tinh bột, như: củ cải trắng, bí xanh, bầu sao, atiso hoặc măng tây.
Mai Chi
(Theo Very Well Health)