Trả lời:
Ăn chay là thói quen của nhiều người Việt trong dịp đầu năm mới. Chế độ ăn chay chứa nhiều rau củ quả tươi sống, vitamin và chất xơ, bổ sung chất béo từ thực vật tốt cho sức khỏe, kể cả người tiểu đường. Cụ thể, ăn chay mang lại những lợi ích như sau:
Kiểm soát lượng đường trong máu: Món chay cho người tiểu đường gồm nhiều loại rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu... vốn chứa nhiều chất xơ, giúp ổn định đường huyết. Cơ thể không thể hấp thụ và phân hủy chất xơ nên không tạo ra sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu như các loại carbohydrate khác. Điều này không chỉ tốt cho người tiểu đường mà còn giúp cho người bệnh ở giai đoạn tiền tiểu đường ngăn bệnh phát triển.
Kiểm soát cân nặng: Người bệnh tiểu đường không ăn mỡ, da động vật (da heo, da gà, da vịt...) góp phần giảm lượng chất béo xấu, vốn gây tăng cân. Trong khi, chất xơ trong rau củ quả giúp cơ thể no nhanh và no lâu, ổn định cân nặng nhưng nếu ăn ít chất xơ sẽ mau thấy đói. Trường hợp người bệnh không kiểm soát khẩu phần ăn hoặc ăn thực phẩm giàu chất béo như pho mát cũng có thể tăng cân.
Tăng độ nhạy với insulin: Có hai loại chất xơ, hòa tan và không hòa tan. Mỗi loại đóng vai trò khác nhau trong cơ thể. Chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu, ngăn hoặc kiểm soát các biến chứng tiểu đường. Chất xơ hòa tan có trong đậu đen, chuối, táo, yến mạch, đậu Hà Lan...
Chất xơ không hòa tan hỗ trợ độ nhạy insulin và giúp đường ruột đi ngoài đều đặn. Chất xơ không hòa tan có trong bột mì nguyên chất, cám, quả hạch, hạt và vỏ của nhiều loại trái cây và rau quả. Người trưởng thành nên ăn từ 22-34 g chất xơ một ngày và ăn đa dạng thực phẩm để có nhiều nguồn chất xơ khác nhau. Nhờ sự hỗ trợ tăng độ nhạy với insulin nên người bệnh có cơ hội ít dùng thuốc điều trị hơn và hạn chế các biến chứng do tiểu đường gây ra.
Giảm mỡ máu: Chế độ ăn chay nhiều chất xơ giúp giảm hấp thụ cholesterol xấu, giảm cả chất béo trung tính (glyceride), tăng chất chống oxy hóa, hạn chế nguy cơ biến chứng tim mạch.
Tuy nhiên, ăn chay không đúng cách cũng tiềm ẩn các vấn đề thiếu hụt dinh dưỡng, nhanh đói. Với người bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đường huyết ổn định. Người bệnh tiểu đường ăn chay có thể bị thiếu vi chất, đạm... trong khi đó, tiêu thụ lượng carb quá nhiều.
Nguy cơ thiếu vi chất: Người ăn chay trường có nguy cơ thiếu vitamin B2, B12, axit béo omega-3, canxi và các nguyên tố vi lượng kẽm, sắt, iốt và selen. Người bệnh có thể bổ sung vitamin B2 trong nấm, mè, hạnh nhân, táo, chuối, sung...; vitamin B12 có trong ngũ cốc, rong biển, đậu nành lên men. Sắt thường có nhiều trong ớt chuông, đậu trắng, đậu lăng, chocolate đen, đậu phụ, rau bina, ngũ cốc; bí ngô... Trong khi đó, nước cam, đậu phụ, ngũ cốc, cải xoăn, cải xanh... có chứa canxi. Chất béo omega-3 có trong hạt lanh, hạt chia, dầu đậu nành, dầu hạt cải. Rong biển, muối iốt, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành... cung cấp iốt cho cơ thể. Kẽm có chứa trong hạt bí ngô, hạt điều, hạnh nhân, đậu gà, đậu tây, ngũ cốc...
Nguy cơ thiếu chất đạm (protein): Protein rất cần thiết để tạo ra các mô mới trong cơ thể và các axit amin (thành phần cấu tạo của protein) có nhiệm vụ duy trì sức khỏe. Thế nhưng, nguồn protein có chủ yếu trong thịt, do đó, người ăn chay trường thường bị thiếu hụt do không cung cấp đủ. Để bổ sung đủ lượng protein từ thực vật thay cho protein động vật, người ăn chay trường có thể bổ sung thêm đậu phụ, rau xào và đậu lăng, đậu nành, hạt chia...
Tiêu thụ quá nhiều carbs: Nếu chế độ ăn chay quá nhiều tinh bột, không đa dạng thực phẩm có cảm giác mau đói. Chính vì lý do này nên nhiều người sẽ ăn cho no dẫn đến ăn quá nhiều thực phẩm chứa carb, làm tăng đường trong máu. Người bệnh nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ, trao đổi với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường và Dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp.
BS.CKI Trần Đông Hải
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM