Người bệnh tiểu đường không tránh khỏi những lần đi đám tiệc, lễ Tết được mời uống bia rượu. Rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết, có thể nguy hiểm.
Mối nguy khi uống rượu lúc đói hoặc no
Theo BS.CKI Trần Đông Hải (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), rượu bia ảnh hưởng đến đường huyết rõ rệt nhất vào thời điểm người bệnh uống lúc no hay đói. Uống rượu sau ăn có nguy cơ tăng đường huyết. Lúc này, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc kháng insulin nên không xử lý kịp lượng đường từ bia rượu, dẫn đến tăng đường huyết.
Nếu người bệnh uống rượu lúc đói có nguy cơ hạ đường huyết. Thông thường, khi đói, cơ thể phân hủy glycogen (phân tử đóng vai trò dự trữ glucose trong các mô gan) thành các phân tử glucose để duy trì lượng đường trong máu; hoặc cơ thể tổng hợp alanine và glycerol thành glucose. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa rượu ở gan lại cản trở hoạt động trên, gây hạ đường huyết nghiêm trọng. Dấu hiệu dễ nhận biết như xuất hiện các triệu chứng đổ mồ hôi, suy nhược, run rẩy, căng thẳng, tim đập nhanh...
Không uống nhiều bia rượu
Người bệnh tiểu đường tốt nhất không uống bia rượu. Nếu uống, người bệnh (nữ) uống không quá một ly một ngày (tức 148 ml rượu vang, tương đương 43 ml rượu mùi hoặc 340 ml bia), nam giới uống không quá hai ly mỗi ngày. Theo bác sĩ Đông Hải, uống rượu bia nhiều làm tích tụ axit trong máu dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe bao gồm:
Nhiễm toan ceton: Đây là tình trạng axit trong máu tăng cao gây buồn nôn, nôn mửa, suy giảm chức năng thần kinh, hôn mê, thậm chí tử vong.
Rối loạn chuyển hóa lipid: Người bệnh tiểu đường thường bị rối loạn chuyển hóa. Uống rượu càng làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid, nguy cơ mắc thêm bệnh tim mạch. Thức uống có cồn này còn gây ra một số tác động làm thay đổi lipid bao gồm tăng nồng độ chất béo, giảm nồng độ mỡ máu xấu, tăng mỡ máu tốt.
Bệnh thần kinh ngoại biên: Các dây thần kinh bị tổn thương ảnh hưởng đến chức năng cơ, dây thần kinh cảm giác... gây ra các triệu chứng bao gồm: ngứa ran, nóng rát, đau tê, nhiễm trùng, nhất là ở vùng bàn chân.
Bệnh võng mạc tiểu đường: Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ phát triển biến chứng mắt ở người bệnh tiểu đường, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.
Giảm hoặc thay đổi tác dụng của thuốc điều trị tiểu đường bao gồm: chlorpropamide, metformin, rosiglitazone...
Không uống rượu bia nhiều đường
Bác sĩ Đông Hải khuyến cáo, không có loại rượu, bia nào tốt cho người tiểu đường. Trong rượu và bia có lượng đường nhất định nên khi uống vào người bệnh cần cân nhắc: tránh các loại bia rượu chứa hàm lượng đường thấp được quảng cáo dành cho người tiểu đường. Mặc dù lượng đường thấp nhưng lại chứa nhiều cồn. Người bệnh nên chọn các loại thức uống pha chế không có đường hoặc chứa đường ăn kiêng. Tránh các loại rượu bia lên men từ trái cây hoặc chứa nhiều đường vì chúng cũng làm tăng đường huyết.
Với nhiều người, uống rượu bia có thể giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, đây không phải cách duy nhất và hiệu quả để giải quyết cảm xúc. Vận động thể dục, hoạt động theo sở thích sẽ giảm căng thẳng hơn, tốt cho sức khỏe.
Không uống vào buổi tối
Nếu uống quá nhiều rượu vào buổi tối, người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị choáng, buồn nôn, mất nước, hạ đường huyết vào sáng hôm sau. Theo dõi đường huyết ngay buổi sáng giúp đảm bảo mức đường huyết ở ngưỡng an toàn. Khi thấy đường huyết xuống thấp hoặc cao hơn mức bình thường, người bệnh cần đến gặp bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đinh Tiên