Theo các chuyên gia, tiểu đường có thể khiến người bệnh khó hồi phục khi mắc bệnh nhẹ. Cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng... khiến cơ thể căng thẳng, kích hoạt và giải phóng các hormone chống lại bệnh tật.
Cơ thể tiết ra hormone epinephrine (adrenaline) tác động lên thần kinh giao cảm. Hormone này có thể làm tăng lượng đường trong máu cùng insulin. Lúc này, cơ thể người bệnh khó sản xuất đủ insulin theo kịp với mức tăng đường huyết của cơ thể. Vì thế, chất béo sẽ được đốt cháy làm nhiên liệu, tạo ra ceton khiến lượng axit trong máu tăng quá mức. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan ceton do tiểu đường, đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được điều trị.
Khi bị ốm, nhiễm toan ceton do tiểu đường có thể xuất hiện khá nhanh trong vài giờ. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 không thể tự sản xuất đủ insulin ngay cả khi khỏe mạnh có thể mắc biến chứng này và hội chứng hội chứng tăng đường huyết do tiểu đường. Do đó, mỗi người cần lên kế hoạch thực hiện các biện pháp quản lý bệnh tiểu đường khi bị ốm. Kế hoạch này có thể giúp bệnh nhân hồi phục sau khi ốm. Dưới đây là một số quy tắc người mắc tiểu đường cần thực hiện khi ốm.
Uống thuốc đều
Insulin là loại thuốc dành cho bệnh nhân đái tháo đường type 1. Người bệnh cần uống insulin như bình thường, ngay cả khi bị ốm hoặc cảm thấy thấy buồn nôn. Nếu đang dùng các loại thuốc liên quan đến bệnh tiểu đường khác để giúp kiểm soát lượng đường trong máu, bệnh nhân cần uống những loại thuốc này như bình thường, không tự ý ngừng uống thuốc.
Nếu cảm thấy lo lắng, nghi ngờ về việc dùng thuốc, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về liều lượng, thời gian dùng thuốc phù hợp.
Ăn đủ chất
Chế độ ăn kiêng dành cho bệnh tiểu đường có thể giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh nhân cần cố gắng ăn uống như bình thường khi cảm thấy không khỏe. Tiêu thụ đồ uống giàu carbohydrate cùng các món ăn nhẹ có thể tránh nguy cơ hạ đường huyết. Để ngăn lượng đường trong máu hạ thấp, bệnh nhân nên tiêu thụ khoảng 50g carbohydrate sau 4 giờ. Các loại thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường gồm nước ép hoa quả, ngũ cốc, bánh mì nướng, sữa, sữa chua...
Uống đủ nước
Uống đủ nước mang lại nhiều lợi ích trong thời gian bị ốm, giúp cơ thể thải độc tố và lượng đường dư thừa làm tăng lượng đường trong máu. Hiệp hội tiểu đường Mỹ khuyên bệnh nhân tiểu đường nên uống một ngụm nước nhỏ sau 15 phút hoặc lâu hơn trong ngày nhằm ngăn ngừa tình trạng mất nước khi ốm. Ngoài nước lọc, người bệnh có thể uống trà thảo mộc, nước ép cà chua, cà phê không đường, không chứa caffeine, nước uống có ga không đường.
Cân nhắc khi dùng thuốc
Nhiều người khi ốm thường tìm đến thuốc cảm cúm hoặc thuốc giảm đau không kê đơn (OTC). Tuy nhiên, không phải thuốc nào cũng phù hợp với bệnh tiểu đường. Một số loại thuốc có thể chứa đường hoặc cồn, có thể khiến lượng đường trong máu tăng. Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Theo dõi lượng đường trong máu
Khi bị ốm, người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu 4 giờ mỗi lần, đảm bảo mức đường huyết trong giới hạn bình thường, không giảm hoặc tăng đột biến đến mức nguy hiểm. Bệnh nhân cần đo nhiệt độ cơ thể vào buổi sáng hoặc tối nhằm kiểm tra dấu hiệu sốt hoặc nhiễm trùng. Việc giảm cân khi ốm có thể là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu tăng. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần kiểm tra ceton. Nếu bệnh nhân có ceton trong nước tiểu hoặc máu cần đi khám, điều trị kịp thời.
Người bệnh tiểu đường cần thường xuyên liên lạc với bác sĩ nhằm kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân dùng thêm insulin giúp giảm lượng đường trong máu. Nếu gặp vấn đề khi điều trị, bệnh nhân cần chia sẻ với chuyên gia nhằm đưa ra biện pháp khắc phục.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)