Đặc trưng của lối sống ít vận động là nằm hoặc ngồi trong thời gian dài, ít di chuyển. Người có lối sống tĩnh tại cũng thường không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu cho hoạt động thể chất.
Theo Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, lối sống ít vận động là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Những yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, từ đó, có thể tạo điều kiện cho bệnh tiểu đường type 2 phát triển. Tập thể dục có nhiều lợi ích trong việc kiểm soát căn bệnh này, giảm mỡ trong cơ thể, hạ huyết áp và hạ đường huyết. Đồng thời, cải thiện tình trạng kháng insulin (tình trạng các tế bào trong cơ thể không phản ứng tốt với insulin và không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng).
Nghiên cứu của Đại học Manipal (Ấn Độ) cũng chỉ ra, tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm đáng kể các biến chứng của bệnh tiểu đường và có khả năng đảo ngược hoặc ngăn chặn biến chứng tiến triển. Cụ thể, tập thể dục và tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên làm tăng sự hấp thụ đường (glucose) vào các tế bào trong cơ, gan, cơ quan khác. Điều này giúp cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin, giảm tình trạng kháng insulin.
Nếu không tập thể dục thường xuyên, lượng đường dư thừa sẽ nằm trong máu thay vì được đưa vào cơ bắp để sử dụng làm năng lượng, làm gián đoạn phản ứng của cơ thể với insulin. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, cơ thể không còn giải phóng đủ insulin để các tế bào hấp thụ, dẫn đến đường huyết cao mạn tính...
Theo các nghiên cứu của Đại học Duesseldorf (Đức), mức độ hoạt động thể chất tăng lên có thể làm giảm khoảng 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mọi người nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Quá trình này có thể kéo dài từ 3-7 ngày, không quá hai ngày nghỉ liên tiếp.
Các hoạt động nhẹ và vừa phải giúp điều hòa tim mạch, cơ thể có thể vận động trong một thời gian dài như: đi dạo, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, nhảy dây, khiêu vũ, leo cầu thang, chơi một môn thể thao... Bạn có thể áp dụng các mẹo để tăng cường hoạt động thể chất trong ngày: đi bộ 10-30 phút mỗi ngày, đứng dậy và đi lại từ 5-10 phút sau mỗi giờ ngồi tại bàn làm việc, đi cầu thang bộ thay vì thang máy trong các tòa nhà, đỗ xe cách xa lối vào tòa nhà để tăng khoảng cách bạn đi bộ, đi bộ hoặc đi xe đạp đến những nơi gần nhà thay vì đi xe, dắt chó đi dạo...
Người ít vận động khi bắt đầu tập thể dục nên tập từ từ và tăng dần cường độ, thời gian và tần suất theo thời gian. Tham gia một lớp tập thể dục hoặc tập thể dục với bạn bè hoặc thành viên gia đình có thể giúp việc tập thể dục trở nên thú vị hơn. Mọi người cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới hoặc tăng tần suất, cường độ, thời lượng để đảm bảo tim, phổi và mạch máu đủ khỏe mạnh.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)