Tôi có nên phẫu thuật lõm ngực? (Trọng Đạt, 28 tuổi, Bình Phước)
Trả lời:
Lõm ngực (lõm xương ức) là dị tật bẩm sinh phổ biến nhất của lồng ngực. Nguyên nhân có thể bẩm sinh đã xuất hiện và dần rõ ràng khi trẻ lớn lên, do thói quen sinh hoạt hàng ngày, nhất là thói quen khòm lưng. Tình trạng này là biểu hiện của các bệnh lý khác như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, bệnh xương thủy tinh, hội chứng Noonan, hội chứng Turner.
Nếu không được can thiệp điều trị, tình trạng lõm ngực có thể tiến triển nặng dần. Khi đó, tim phổi và các cấu trúc bên trong lồng ngực có thể bị chèn ép dẫn đến mệt, khó thở. Người bệnh không thể tham gia các hoạt động gắng sức, giảm chất lượng cuộc sống. Hình dáng ngực không bình thường cũng khiến bệnh nhân tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, gặp trở ngại trong sinh hoạt và công việc.
Triệu chứng bạn mô tả cho thấy bạn có thể bị lõm ngực có triệu chứng. Với những trường hợp nhẹ, bác sĩ hướng dẫn các bài tập giúp cải thiện tư thế và hình dáng ngực. Người bị lõm xương ức trung bình đến nặng có thể được phẫu thuật sửa chữa.
Phẫu thuật lõm ngực thường được chỉ định nếu tình trạng người bệnh đáp ứng hai hoặc nhiều tiêu chí sau:
Điểm PSI (chỉ số lõm ngực) lớn hơn 3,25. Chỉ số này được tính bằng cách chia chiều rộng của khung xương sườn cho khoảng cách từ xương ức đến cột sống, người bình thường khoảng 2,5.
Bệnh nhân gặp phải các biến chứng liên quan đến tim như chèn ép hoặc đẩy lệch chuyển tim, hở van tim, rối loạn nhịp tim.
Người bệnh gặp các vấn đề về phổi gây khó thở, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Các bài tập giúp cải thiện lõm ngực không đạt hiệu quả. Hình dáng ngực bất thường ảnh hưởng tâm lý khiến bệnh nhân ngại giao tiếp, trầm cảm.
Mặc dù phần lớn bệnh nhân bị lõm ngực được chỉ định phẫu thuật trong thời thơ ấu (6-19 tuổi). Tuy nhiên, phẫu thuật lõm ngực đã được thực hiện thành công ở bệnh nhân độ tuổi 20, 30, 40, thậm chí 50. Do đó, bạn nên đến bệnh viện khám sớm để được đo chỉ số lõm ngực, xem xét triệu chứng, từ đó bác sĩ cân nhắc có phẫu thuật hay không.
Có hai phương pháp phẫu thuật để sửa chữa tình trạng lõm ngực gồm mổ mở và nội soi ít xâm lấn. Với phẫu thuật mở kinh điển (phẫu thuật Ravitch), bác sĩ mở một đường mổ dài ngang qua phần trước của ngực, phần sụn bị biến dạng được loại bỏ, xương sườn giữ nguyên. Nhờ vậy, xương phát triển đúng vị trí bình thường. Sau đó, bác sĩ đưa thanh kim loại vào để cố định xương ức. Thanh này được lấy ra sau 6-12 tháng.
Phương pháp này có nhược điểm để lại sẹo lớn, ảnh hưởng tâm lý người bệnh. Để khắc phục, phẫu thuật ít xâm lấn hơn (phẫu thuật Nuss) ra đời, chỉ có hai vết mổ nhỏ ở hai bên ngực. Một camera nhỏ được đặt vào lồng ngực giúp quan sát rõ bên trong ngực. Sau đó, thanh kim loại được đưa vào và đặt dưới xương ức để nâng xương ức lên, phát triển đúng cách. Sau khoảng 18 tháng đến hai năm, khi xương ức đã ổn định, bác sĩ lấy thanh nâng ra.
Phẫu thuật nội soi Nuss có nhiều ưu điểm hơn như thời gian phẫu thuật ngắn, hạn chế chảy máu trong mổ, giảm đau sau mổ và đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh.
Sau ca mổ lõm ngực, bệnh nhân được điều trị giảm đau và chống nhiễm trùng. Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ áp dụng phương pháp gây mê cá thể hóa kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (Erector Spinae Plane - ESP). Người bệnh không cần dùng đến morphin giảm đau sau mổ, tránh được biến chứng của thuốc, tăng nhạy cảm đau sau này, xuất viện sớm sau 3-5 ngày.
Trong 4-8 tuần đầu tiên hoặc lâu hơn sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tránh một số tư thế như nằm nghiêng hoặc nằm sấp; cúi người hoặc vặn eo, đẩy hoặc kéo bằng tay, vươn tay cao qua đầu; nâng vật nặng; động tác thể dục quá sức; chơi thể thao nặng nguy cơ chấn thương ngực. Khoảng 6 tháng sau khi sức khỏe hoàn toàn hồi phục, người bệnh hoạt động bình thường, bao gồm cả chơi thể thao.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng
Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực
Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |