Trả lời:
Lõm ngực (lõm xương ức) là bệnh lý cơ xương khớp bẩm sinh thường gặp ở trẻ. Đây là tình trạng phát triển bất thường của khung xương sườn khiến ngực bị lõm, đôi khi biến dạng nghiêm trọng. Lõm ngực chiếm 90% trường hợp bất thường bẩm sinh thành ngực và thường được chẩn đoán trong năm đầu tiên sau sinh. Bệnh gặp ở nam nhiều gấp 3-5 lần nữ giới.
Với những trẻ lõm ngực nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn trẻ bài tập giúp cải thiện tư thế và hình dáng ngực. Trong khi đó, trẻ bị lõm ngực có dấu hiệu và triệu chứng từ trung bình đến nặng cần được phẫu thuật. Cụ thể, phẫu thuật lõm ngực được thực hiện khi tình trạng của trẻ đáp ứng hai hoặc nhiều tiêu chí sau: Điểm PSI (chỉ số lõm ngực) trên 3,25; trẻ gặp phải biến chứng liên quan đến tim (chẳng hạn như chèn ép hoặc làm dịch chuyển tim, sa van 2 lá, tiếng thổi ở tim, rối loạn nhịp tim...); trẻ bị các vấn đề về phổi gây khó thở, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày; bài tập cải thiện lõm ngực không đạt hiệu quả; hình dáng ngực bất thường khiến bé hạn chế tiếp xúc, thậm chí bị trầm cảm.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể phẫu thuật lõm ngực. Ca mổ chống chỉ định với những bệnh nhi mắc một hoặc nhiều vấn đề nghiêm trọng về tim (không liên quan đến biến dạng ngực), chậm phát triển trí não (thần kinh), gặp nhiều vấn đề sức khỏe phức tạp sau khi sinh, hệ miễn dịch suy yếu.
Thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật lõm ngực là trong giai đoạn 6-19 tuổi. Nếu phẫu thuật trước 6 tuổi (xương của trẻ còn quá mềm) hoặc sau 19 tuổi (khung xương đã cứng) đều khó thực hiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bé nhà bạn 8 tuổi, bị lõm ngực từ lúc mới sinh. Ngoài biểu hiện vùng ngực lõm sâu, bé có các triệu chứng như khó thở, thở dốc khi gắng sức, sức bền kém, đau ngực... không?. Bé nên phẫu thuật nâng ngực nhằm khôi phục hình dáng ngực bình thường, trẻ tự tin, không mặc cảm khi trưởng thành.
Bạn cần đưa con đi khám sớm. Bác sĩ sẽ xác định mức độ lõm ngực, chỉ định các xét nghiệm để quyết định có thể phẫu thuật nâng ngực cho bé hay không. Sau mổ, trẻ cần thời gian từ 4-8 tuần để hồi phục sức khỏe. Bé nên phẫu thuật trong giai đoạn nghỉ hè vì có đủ thời gian nghỉ dưỡng sau mổ.
Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật điều trị lõm ngực: phẫu thuật mở (Ravitch) hoặc nội soi (Nuss). Tuy cả hai đều đem lại hiệu quả tương đương nhưng Ravitch có nhược điểm để lại sẹo lớn, ảnh hưởng tâm lý của trẻ.
Tại BVĐK Tâm Anh, bác sĩ ưu tiên lựa chọn phương pháp Nuss có nội soi lồng ngực hỗ trợ trong điều trị lõm ngực cho trẻ. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu với hai vết mổ rất nhỏ ở hai bên ngực. Một camera nhỏ được đặt vào lồng ngực, giúp quan sát rõ bên trong ngực. Sau đó, thanh nâng ngực được đưa vào và đặt dưới xương ức để nâng xương ức lên, giúp xương phát triển đúng cách. Sau khoảng 18 tháng đến 4 năm, khi xương ức ổn định, bác sĩ tiến hành lấy thanh nâng ra.
So với phương pháp Ravitch phải cắt xương ức và các sụn sườn, phẫu thuật nội soi Nuss có nhiều ưu điểm như: hạn chế chảy máu trong lúc mổ, giảm đau sau mổ, đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ còn áp dụng kỹ thuật gây mê cá thể hóa kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP). Phương pháp này đem lại hiệu quả vượt trội so với giảm đau tĩnh mạch thông thường. Đa số trẻ không cần đến morphin giảm đau sau mổ, tránh hệ lụy nghiện thuốc, tăng nhạy cảm đau sau này... Nhờ vậy, trẻ nhanh hồi phục và xuất viện sau 3-5 ngày.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, bác sĩ Ngoại Tim mạch - Ngoại Nhi
Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP HCM