Bàn chân có hàng nghìn đầu dây thần kinh giúp cảm nhận sàn nhà và gửi tín hiệu đến cơ thể để não bộ hiểu rõ hơn về các chuyển động. Tập thể dục bằng chân trần trở nên phổ biến, đem đến nhiều lợi ích hơn là gây hại, song cũng tùy vào bài tập.
Tăng khả năng vận động chân
Pilates, yoga, nâng tạ, squat là dạng bài tập kết hợp những động tác giữ thăng bằng, linh hoạt và điều chỉnh nhịp thở. Người mang giày khi tập có thể cản trở quá trình di chuyển, ảnh hưởng đến cường độ và gây mất thăng bằng. Để chân trần tập yoga, pilates có thể cảm nhận chuyển động của ngón chân, bàn chân và mắt cá chân.
Hỗ trợ bàn chân khỏe hơn
Khi đi giày, bàn chân thường ở vị trí cố định và ít có chỗ di chuyển nên dễ khiến các cơ ở bàn chân suy yếu. Tập luyện bằng chân trần có thể giúp vận động các cơ ở bàn chân, tăng cảm giác thăng bằng. Điều này tác động lên mắt cá chân, lòng bàn chân và tạo ra sự kết nối giữa các mô cũng như dây chằng, từ đó giảm nguy cơ trượt chân, bong gân và căng cơ.
Theo Livestrong, thực hiện các bài tập giãn cơ bằng chân trần có thể tăng cường sức mạnh cho bàn chân và cơ mắt cá chân, cải thiện tính linh hoạt, hỗ trợ bàn chân.
Cảm nhận về cơ thể
Bàn chân không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ mà còn đóng vai trò là rào cản giữa các đầu dây thần kinh ở bàn chân và mặt đất. Không đi giày có thể mang đến trải nghiệm tốt hơn và tăng khả năng cảm nhận của bản thân với môi trường xung quanh. Điều này cũng giúp người tập luyện có thể điều chỉnh tư thế trong một số động tác nhất định.
Người tập squat thường ngồi xổm bằng chân trần để tăng sự linh hoạt ở mắt cá chân và hông khi đầu gối di chuyển về phía trước và phía sau. Nhờ đó, người tập còn nhắm đúng mục tiêu vào các cơ gấp hông và gân kheo.
Giảm căng thẳng cho chân
Bàn chân kiểm soát vị trí tốt hơn và giảm áp lực khi gót chân chạm đất. Không mang giày còn góp phần giảm nguy cơ viêm khớp, biến dạng khớp bàn ngón chân cái xảy ra do đi giày không vừa.
Sử dụng cơ bắp nhiều hơn
Bàn chân con người có 26 xương, 33 khớp, hơn 100 cơ, dây chằng và gân. So với mang giày tập luyện, đi chân không hỗ trợ kích hoạt nhiều cơ bắp hơn. Vì chân tiếp xúc trực tiếp với thảm tập hoặc sàn nhà không chỉ nhắm vào các cơ ở bàn chân mà còn cả cơ bắp chân.
Nó còn phù hợp với các hoạt động trên thảm hoặc tập trong không gian kín như yoga, pilates, khiêu vũ... Nên thực hiện vài động tác căng cơ bàn chân trước khi tập để ngăn chặn áp lực đột ngột lên bàn chân và mắt cá chân.
Người có tiền sử tiểu đường, viêm khớp, gặp các vấn đề về bàn chân như viêm cân gan chân, gai gót chân, vòm bàn chân thấp và cao không nên để chân trần tập luyện. Một số hình thức hoạt động như đi bộ, chạy bộ cần mang giày để tránh chấn thương.
Huyền My (Theo Health.com, Verywell Fit)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |