Ngâm mình trong bồn nước lạnh sau một thời gian tập luyện căng thẳng là hình thức trị liệu. Nhờ đó cơ thể có thể tăng cường sức đề kháng, có lợi cho tinh thần và cơ bắp.
Giảm viêm
Tắm nước lạnh mang lại cảm giác dễ chịu do làm giảm lưu lượng máu đến cơ bắp, bớt viêm và sưng tấy. Nhiều nghiên cứu cho thấy trị liệu bằng chườm lạnh có thể giảm viêm sau khi tập luyện tốt.
Ngăn ngừa đau cơ
Người tắm nước đá lạnh ít đau cơ vì khả năng truyền tín hiệu thần kinh chậm hơn. Lượng nhiệt từ nước còn góp phần giảm nhận thức về cơn đau. Điều này giải thích tại sao nhiều người cho rằng thói quen tắm nước lạnh làm giảm chứng đau nhức cơ bắp khởi phát muộn sau khi tập thể dục.
Theo các nhà khoa học, tắm nước lạnh cũng có tác dụng giảm đau do các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và đau cơ xơ hóa.
Hạ nhiệt độ cơ thể
Ngâm mình trong nước đá là cách nhanh chóng để hạ nhiệt sau buổi tập luyện căng thẳng. Nghiên cứu năm 2015 của Trường Đại học Connecticut và Đại học Alabama (Mỹ) cho thấy ngâm mình trong nước lạnh dưới 10 phút làm giảm nhiệt độ cơ thể sau khi tập luyện, ngăn tình trạng say nắng và kiệt sức vì nóng.
Trong y học thể thao, phương pháp này được sử dụng cho các vận động viên chạy marathon hoặc người bị chấn thương do nhiệt để hạ nhiệt độ cơ thể.
Tăng tập trung
Thỉnh thoảng một người có thể thích cảm giác mát lạnh, nhất là khi họ cảm thấy não tập trung hơn. Một số người xem đây là phương pháp hữu ích cho tinh thần.
Ngủ ngon hơn
Theo nghiên cứu của Đại học Luxembourg, tắm nước lạnh kích thích dây thần kinh phế vị ở vùng cổ, từ đó giảm nhịp tim và cảm giác căng thẳng. Nghiên cứu từ Trường Đại học Svyasa (Ấn Độ) cũng kết luận tiếp xúc với nhiệt độ lạnh như chườm lạnh hoặc tắm nước đá (thủy trị liệu) có thể tăng cường chức năng của hệ thần kinh trung ương, ngủ ngon hơn.
Thời gian khuyến nghị ngâm mình trong nước có nhiệt độ 10-15 độ C là 5-10 phút. Người muốn tăng cường sức mạnh hoặc kích thước cơ bắp có thể tắm nước đá sau buổi tập 24-48 giờ để giảm viêm, tăng tuần hoàn máu và thư giãn cơ bắp.
Người có tiền sử huyết áp cao, vết thương hở hoặc mắc bệnh tim và các vấn đề về tuần hoàn như bệnh động mạch ngoại biên không nên tắm nước đá lạnh vì dễ xảy ra biến chứng, hạ thân nhiệt, vết thương đau đớn hơn.
Huyền My (Theo Cleveland Clinic, USA Today)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |