Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư hại. Nhân đệm thoát vị ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, gây đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ. Tùy vào vị trí dây thần kinh bị đĩa đệm chèn ép sẽ có những dấu hiệu và biến chứng khác nhau.
Trong trường hợp nhẹ, đĩa đệm chưa chèn ép rễ thần kinh, các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng thuốc và tập vật lý trị liệu. Nếu bệnh không cải thiện hoặc nặng hơn, xuất hiện biến chứng chèn ép thần kinh, đau nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, người bệnh được chỉ định phẫu thuật.
ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều người lo ngại phẫu thuật thoát vị đĩa đệm khiến bệnh nặng hơn hoặc không thể đi lại sau đó nên chậm điều trị, tăng nguy cơ biến chứng. Một số trường hợp phẫu thuật quá trễ, chức năng của cơ thể không thể hồi phục hoàn toàn. Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm được cải tiến đáng kể, độ an toàn rất cao. Trong đó, nội soi lấy mảnh đĩa đệm bị thoát vị là phương pháp xâm lấn tối thiểu, được ứng dụng ngày càng phổ biến.
Bác sĩ rạch một vết mổ khoảng 1 cm để đưa dụng cụ nội soi vào, tiếp cận vị trí đốt sống bị thoát vị. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống camera nội soi hoặc kính vi phẫu, vị trí đốt sống bị tổn thương được phóng đại nhiều lần, giúp bác sĩ quan sát rõ ràng, kiểm soát ca mổ tốt hơn.
Sau đó, phần mô thoát vị được lấy ra khỏi cơ thể cho đến khi rễ thần kinh được giải phóng hoàn toàn. Tất cả thao tác đều được thực hiện dưới sự giám sát của hệ thống chụp X-quang liên tục C-Arm, độ chính xác cao.
Phẫu thuật ít xâm lấn rút ngắn thời gian mổ, hạn chế tối đa tổn thương đến dây thần kinh và các mô mềm xung quanh, giảm đau và mất máu, theo bác sĩ Thắng. Nội soi cũng hạn chế ảnh hưởng tới cấu trúc xương, bảo tồn chức năng vận động của khớp cột sống tốt hơn. Nhờ đó, đa số người bệnh có thể nhanh chóng đi lại ngay ngày đầu tiên sau mổ, tình trạng đau gần như không còn. Thời gian phục hồi hoàn toàn khoảng một tháng.
Bác sĩ Thắng lưu ý khi các rễ thần kinh nối liền với các cơ quan khác bị tổn thương do đĩa đệm chèn ép lâu ngày gây rối loạn đại tiểu tiện, khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí có thể tàn phế vĩnh viễn. Người bệnh nên sớm đi khám khi có các dấu hiệu cảnh báo thoát vị đĩa đệm cổ như đau vùng cổ và vai gáy, cơn đau lan xuống một hoặc cả hai cánh tay, ngón tay, bàn tay. Triệu chứng thoát vị cột sống thắt lưng có thể là đau dữ dội ở vùng thắt lưng, đau lan xuống hông đùi, cẳng chân, bàn chân và các ngón chân, gây yếu chân.
Phi Hồng