Theo nghiên cứu của Trung tâm Y tế Tufts (Mỹ), mức vitamin D thấp có liên quan đến mức độ viêm cao, suy giảm chức năng tế bào beta tuyến tụy (tế bào tạo ra insulin). Thiếu hụt vitamin D cũng có thể gây kháng insulin. Khi đó, các tế bào của cơ thể không phản ứng tốt với insulin và không thể hấp thụ đủ glucose để sử dụng làm năng lượng. Tất cả các yếu tố trên đều có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã theo dõi khoảng 2.420 người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường trung bình 2,5 năm. Một nửa số người tham gia được cung cấp 4.000 IU vitamin D mỗi ngày và một nửa còn lại dùng giả dược. Kết quả cho thấy, nhóm bổ sung vitamin D có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 12% so với nhóm dùng giả dược. Điều này cho thấy bổ sung vitamin D làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tiêu thụ vitamin D có thể làm chậm sự phát triển của bệnh tiểu đường ở người tiền tiểu đường và thiếu hụt vitamin này.
Nghiên cứu khác của Đại học Y Jinnah Sindh (Pakistan) cũng chỉ ra, người mắc bệnh tiểu đường type 2 thường bị thiếu hụt vitamin D. Việc thiếu hụt này có nhiều khả năng gây viêm và lượng A1C (lượng đường trong máu trung bình 3 tháng) cao hơn những người không bị thiếu hụt. Khắc phục tình trạng thiếu vitamin D có thể cải thiện sự bài tiết insulin và mức A1C của người bệnh.
Các nhà khoa học thuộc khoa Y, Đại học Montenegro (nước Cộng hòa Montenegro) phát hiện ra rằng, người mắc bệnh tiểu đường type 2 uống vitamin D mỗi ngày, từ 3-6 tháng, có có mức A1C thấp hơn so với người chỉ uống thuốc trị tiểu đường metformin cùng thời gian.
Vitamin D còn có khả năng giúp cơ thể hấp thụ canxi, chất cần thiết cho quá trình khoáng hóa xương bình thường. Ở trẻ em, sự thiếu hụt vitamin D có thể gây bệnh còi xương, dẫn đến chậm phát triển, chân vòng kiềng và yếu do xương bị mềm. Ở thanh thiếu niên và người lớn, thiếu vitamin D có thể gây chứng nhuyễn xương, yếu cơ và đau xương.
Sự thiếu hụt vitamin D và canxi trong thời gian dài có thể dẫn đến loãng xương. Các dây thần kinh và cơ bắp cũng cần vitamin D để hoạt động, hệ thống miễn dịch cần vitamin D để chống lại virus và nhiễm trùng do vi khuẩn. Sự thiếu hụt vitamin D trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh tự miễn dịch (viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus). Nếu nghi ngờ mình thiếu vitamin D, nên khám bệnh để kịp thời bổ sung và điều trị, tránh nguy cơ mắc tiểu đường và các bệnh khác.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, lượng vitamin D cần thiết cho mỗi người hàng ngày phụ thuộc vào độ tuổi. Trẻ sơ sinh đến 12 tháng cần 400 IU, trẻ em và người lớn dưới 70 tuổi cần 600 IU và người lớn trên 70 tuổi cần 800 IU mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết người lớn có thể tiêu thụ tới 4.000 IU mỗi ngày mà vẫn an toàn. Cách để ngăn sự thiếu hụt vitamin D là thông qua chế độ ăn uống hằng ngày, dùng thực phẩm chức năng và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (phơi nắng vào buổi sáng).
Thực phẩm chứa nhiều vitamin D gồm gan bò, cá béo (cá hồi, cá hồi, cá ngừ, cá thu), nấm, long đỏ trứng, dầu gan cá, sữa bò, sữa hạt (đậu nành, hạnh nhân, yến mạch), nước cam, sữa chua...
Mai Cát
(Theo Very Well Health)