Thiền là một phương pháp tập trung tinh thần nhằm đạt được cảm giác thư giãn, bình tĩnh và cân bằng. Thiền mang đến nhiều lợi ích cho các phần não liên quan đến cảm xúc, trí nhớ. Dưới đây là những tác dụng tốt của thiền đối với sức khỏe não bộ.
Thay đổi cấu trúc trong não
Theo nghiên cứu năm 2012 của Trường Đại học Harvard (Mỹ) trên 27 người, thực hành thiền có thể làm thay đổi cấu trúc của não. Những người tham gia có 8 tuần thực hiện bộ môn này mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu quét não của họ và phát hiện ra rằng thiền làm tăng độ dày vỏ não ở vùng hải mã. Đây phần não kiểm soát học tập và trí nhớ, đóng vai trò trong điều tiết cảm xúc.
Tăng thể tích ở vùng hải mã còn cải thiện khả năng điều tiết cảm xúc, trong khi giảm gây ra cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, cáu kỉnh. Rối loạn sức khỏe tâm thần gồm trầm cảm nặng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương cũng liên quan đến giảm thể tích và mật độ của vùng hải mã.
Nghiên cứu còn chỉ ra thiền làm cho khối lượng của amygdala - phần não liên quan đến trải nghiệm các cảm xúc như sợ hãi, căng thẳng, lo lắng - giảm đi. Hoạt động này không chỉ thay đổi cấu trúc trong não mà còn tác động cả cảm giác của người thực hành.
Điều chỉnh căng thẳng
Năm 2016, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) phân tích tác động của thiền định đối với não bộ và sức khỏe con người. 35 người trưởng thành bị căng thẳng chia thành hai nhóm và được theo dõi trong 4 tháng. Một nhóm thiền định, nhóm kia thực hiện những hoạt động nhằm đánh lạc hướng bản thân khỏi lo lắng như trò chuyện, đùa giỡn.
Sau ba ngày, người tham gia được quét não. Kết quả cho thấy vùng não liên quan đến trạng thái nghỉ ngơi của người thực hành thiền hoạt động nhiều và biểu cảm hơn. Theo dõi 4 tháng sau, nhóm thiền có nồng độ chất interleukin-6 trong máu liên quan chặt chẽ đến chứng viêm và căng thẳng thấp hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng thiền giúp điều chỉnh căng thẳng, giảm lo lắng và viêm nhiễm.
Cải thiện sự tập trung
Theo nghiên cứu năm 2013 của Trường Đại học California (Mỹ) trên 55 người, thiền chánh niệm làm giảm tâm trí không ổn định và cải thiện hiệu suất nhận thức. Sau hai tuần, họ tập trung và ghi nhớ tốt hơn khi làm bài kiểm tra. Bộ môn này cải thiện điểm số mức độ tập trung và giảm sự xuất hiện của những suy nghĩ tiêu cực.
Nghiên cứu khác năm 2011 của Trường Đại học Y Yale (Mỹ) trên 25 người cũng chỉ ra kết quả tương tự. Khi thiền chánh niệm thời gian dài, người tham gia ít có suy nghĩ phân tâm, tâm trí ổn định hơn và mức độ tập trung cao hơn so với khi mới bắt đầu tập thiền.
Bảo vệ chống lão hóa não
Năm 2011, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y khoa UCLA (Mỹ) chỉ ra thiền có thể bảo vệ não chống lại sự lão hóa. Cụ thể, 54 người tham gia nghiên cứu thiền định dài hạn ít bị teo chất trắng trong não hơn do tuổi tác.
Các nhà khoa học của Trường Đại học California (Mỹ) và Đại học Quốc gia Australia phát hiện ra thiền có thể bảo tồn chất xám của não. Họ đã so sánh bộ não của 50 người thiền định thường xuyên trong suốt 20 năm với bộ não của người không thực hành hoạt động này. Người ở cả hai nhóm đều mất đi chất xám của não khi già đi nhưng người thiền định có lượng chất xám giảm ít hơn.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |