Rau mầm là các loại rau xanh, non cao khoảng từ 2,5 đến 7,5 cm. Rau mầm khác với các loại rau giá (giá đỗ xanh, giá đỗ tương). Các loại rau giá thường có chu kỳ phát triển ngắn từ 2 - 7 ngày, trong khi thời gian thu hoạch rau mầm là từ 7 - 21 ngày.
Rau mầm được thu hoạch sau khi hạt giống nảy mầm và trước khi những chiếc lá phát triển to hơn. Người ta có thể trồng rau mầm trên đất hoặc thuỷ canh, chúng cần ánh sáng mặt trời để phát triển. Rau mầm được trồng từ hạt giống của nhiều loại rau hoặc thảo mộc khác nhau như rau dền, rau húng quế, cải xoăn, bông cải xanh, cải xanh, su hào...
Dinh dưỡng trong rau mầm
Rau mầm rất giàu chất dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, phần lớn các loại rau mầm đều giàu sắt, kali, kẽm, magie và đồng.
Rau mầm cũng là nguồn cung cấp dồi dào các dưỡng chất thực vật, trong đó có các chất chống oxy hóa. Thêm vào đó, các dưỡng chất này thường cô đặc, mang đến hàm lượng khoáng chất,vitamin, chất chống oxy hoá cao hơn là từ các loại rau đã phát triển.
Một số báo cáo khoa học cho thấy, hàm lượng dinh dưỡng trong rau mầm cao hơn 9 lần so với cùng loại rau đó ở giai đoạn trưởng thành. Chúng cũng chứa nhiều loại polyphenol có tính chất chống oxy hóa cao, ngăn chặn tổn thương tế báo.
Rau mầm thường được trồng dưới ánh sáng mặt trời, vì vậy hàm lượng dưỡng chất tổng thể được gia tăng so với các loại giá đỗ. Quá trình sinh trưởng của rau thường bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng pha loãng. Trong khi rau mầm là từ các hạt mới nảy mầm nên hàm lượng vitamin, enzym và khoáng chất cao hơn.
Lợi ích sức khỏe của rau mầm
Chế độ ăn nhiều rau xanh được chứng minh là giảm thiểu nguy cơ mắc hàng loạt bệnh nguy hiểm nhờ vào lượng vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất thực vật.
Rau mầm chứa các dưỡng chất tương tự nhưng với một hàm lượng cao hơn. Vì vậy, chế độ ăn bổ sung rau mầm cũng giúp hạn chế những bệnh như:
Bệnh tim: rau mầm rất dồi dào các loại polyphenol, một loại chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rau mầm giúp giảm chất béo xấu và các cholesterol xấu.
Bệnh Alzheimer: các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và polyphenl như rau mầm có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Bệnh tiểu đường: nghiên cứu cho thấy các chất chống oxy hóa giúp cải thiện phản ứng insulin và chuyển hóa đường lên đến 44%.
Hỗ trợ sức khoẻ đường ruột: rau mầm giàu chất xơ giúp giảm táo bón cũng như hạn chế các vấn đề dạ dày, ruột. Ngoài ra, các loại chất xơ đóng vai trò như một chất lợi khuẩn, cung cấp môi trường lý tưởng để các vi khuẩn tốt làm việc.
Ngoài ra, những người bị mắc bệnh thận cũng nên sử dụng rau mầm. Các loại rau xanh đã phát triển thường chứa nhiều kali, một chất nên hạn chế trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh thận. Trong khi đó, rau mầm chứa một lượng kali rất thấp và không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân và vẫn cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Thảo Miên (Theo Healthifyme, heathline)