Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi tăng nồng độ đường máu (glucose máu) mạn tính cùng với rối loạn carbohydrate (chất bột đường), protein (chất đạm), lipid (chất béo) do giảm bài tiết insulin hoặc giảm khả năng hoạt động của insulin. Insulin là một hormone được tổng hợp, tiết ra bởi tuyến tụy có tác dụng chuyển hóa carbohydrate, các mô mỡ... trong cơ thể. Đây là hormone có vai trò kiểm soát nồng độ glucose trong máu.
Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, những người mắc bệnh tiểu đường thường được tư vấn là tránh hoặc hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất bột đường, đường, mỡ, đạm... Thực tế, người bệnh tiểu đường cũng thường lo sợ, kiêng cữ rất nhiều thức ăn khác nhau, trong đó có trái cây.
Tuy nhiên, bác sĩ Trà Phương cho biết, không phải loại trái cây nào (kể cả các loại có vị ngọt nhiều) cũng không tốt cho người bệnh tiểu đường. Trái cây tốt hay không tốt cho người bệnh tiểu đường phụ thuộc vào chỉ số đường huyết (Glycemic Index - GI) của chúng.
Các loại thức ăn khác nhau (cho dù cùng số lượng carbohydrate) nhưng sau khi ăn sẽ làm người ăn tăng đường máu ở các mức độ khác nhau. Khả năng làm tăng đường máu sau ăn của một thực phẩm nhất định được gọi là chỉ số đường huyết của thực phẩm đó.
Đối với bệnh tiểu đường, chỉ số đường huyết được coi là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn thực phẩm. Các thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp làm đường máu sau ăn tăng từ từ, cao sau ăn. Các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm đường máu sau ăn tăng nhanh và cao sau ăn.
Chỉ số đường huyết của thực phẩm được quyết định bởi lượng carbohydrate, loại đường (glucose, fructose, sucrose, lactose...) là các tính chất tự nhiên của thực phẩm. Ngoài ra, chỉ số đường huyết còn bị ảnh hưởng bởi quá trình chế biến thực phẩm như xay, ép hay ăn thô. Các thực phẩm nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan thường sẽ có chỉ số đường huyết thấp.
Bác sĩ Trà Phương giải thích thêm, theo Phân loại Quốc tế về Chỉ số đường huyết của thực phẩm, các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao là ≥ 70%, các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình là 56-69% và các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp là ≤ 55%.
Theo đó, dưới đây là danh sách những trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI ≤ 55%):
STT |
Tên trái cây |
GI |
1 |
Ổi |
16 |
2 |
Mận |
24 |
3 |
Nho |
25-43 |
4 |
Cam |
31-40 |
5 |
Anh đào |
32 |
6 |
Lê |
34 |
7 |
Táo |
34 |
8 |
Kiwi |
47 |
9 |
Chuối |
53 |
10 |
Xoài |
55 |
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trà Phương, ở những người mắc bệnh tiểu đường, trong quá trình lựa chọn thực phẩm còn cần quan tâm đến chỉ số tải đường huyết (Glycemic load=GL). Bởi một thực phẩm hay trái cây có thể có GI cao nhưng ăn ít có thể tác động đến Glucose máu tương tự khi ăn thực phẩm hay trái cây có chỉ số GI thấp với một số lượng lớn.
Do đó, bên cạnh lựa chọn trái cây có chỉ số GI thấp, người bệnh tiểu đường nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để có nhiều lựa chọn đa dạng hơn về các loại thực phẩm, các loại trái cây và định lượng ăn cho hợp lý.
Bảo Lam