Tình trạng viêm mạn tính góp phần gây ra ung thư và các bệnh như tim mạch, tiểu đường.... Chế độ ăn nhiều thực phẩm chống viêm mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là 14 thực phẩm mà bệnh nhân ung thư hoặc người đang muốn giảm nguy cơ mắc căn bệnh này có thể đưa vào thực đơn hàng ngày.
Quả bơ
Bơ chứa polyphenol là hợp chất chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật (gồm các chất flavonoid, anthocyanin, axit phenolic, tannin) có thể chống lại tổn thương tế bào, góp phần ngăn tế bào ung thư phát triển. Bơ rất giàu chất béo có lợi cho tim, cung cấp magie, chất xơ, kali và các vitamin (A, C, E) cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể thêm vài lát bơ ăn cùng bánh mì, làm salad hoặc làm sốt bơ để có món ăn bổ dưỡng.
Cam
Cam có hàm lượng flavonoid cao, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ giúp giảm viêm và tổn thương tế bào ở bệnh nhân ung thư, tiểu đường... Cam cũng rất giàu vitamin C và kali, canxi, folate và chất xơ. Chất xơ và folate trong cam có lợi cho tim. Vitamin C rất cần cho chức năng hệ thống miễn dịch, xây dựng các mô liên kết và giữ cho các mạch máu khỏe mạnh. Loại quả này thường có trong chế độ ăn kiêng chống viêm.
Dâu tây
Dâu tây chứa chất chống oxy hóa, nhiều chất xơ và vitamin C, ít calo nên có đặc tính chống viêm, có lợi cho các bệnh liên quan đến tình trạng viêm mạn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh tim.
Việt quất
Việt quất chứa rất nhiều polyphenol góp phần ngăn ngừa và sửa chữa tổn thương tế bào, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và giảm viêm. Đồng thời, nó còn kích hoạt hoạt động chống oxy hóa, góp phần ngăn ngừa ung thư và bệnh tim. Trái cây này còn bổ sung vitamin C, E và chất xơ tốt cho sức khỏe.
Quả óc chó
Đây là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh (omega-3), protein, vitamin E, khoáng chất và chất sterol có thể giảm tình trạng viêm. Quả óc chó cũng giàu năng lượng, hàm lượng calo cao làm bạn cảm thấy no lâu hơn.
Hạnh nhân
Hạnh nhân cung cấp nhiều chất béo không bão hòa đơn, vitamin E; giàu khoáng chất như mangan, magie và protein thực vật. Tất cả đều làm giảm viêm, góp phần chống lại ung thư. Ăn hạnh nhân còn làm rủi ro mắc bệnh tim do hạt này cải thiện sự cân bằng của axit béo trong máu. Hạnh nhân cũng mang lại cảm giác no do hàm lượng calo cao, có lợi cho người cần giảm cân.
Các loại đậu
Đậu là nguồn cung cấp dồi dào protein thực vật, khoáng chất, vitamin B tổng hợp và vitamin K. Chất xơ và polyphenol trong đậu hoạt động như chất chống oxy hóa, ngăn tổn thương tế bào cho người ung thư. Đậu còn là thực phẩm chống viêm có thể ngăn ngừa bệnh tim, tiểu đường và huyết áp cao. Các loại đậu có hàm lượng protein cao, phù hợp cho các bữa ăn không có thịt.
Cà rốt
Cà rốt chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như beta-carotene, zeaxanthin và lutein. Beta-carotene được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể có tác dụng chống viêm. Zeaxanthin và lutein hỗ trợ ngăn ngừa tổn thương cho các tế bào khỏe mạnh và giảm nguy cơ ung thư. Cà rốt chứa ít calo, nhiều chất xơ có thể giúp giảm cân. Béo phì là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư.
Khoai lang
Khoai lang rất giàu vitamin (A, K, B), khoáng chất (kali, folte) và beta-carotene, là chất chống oxy hóa mạnh giúp giảm viêm. Khoai lang luộc, nướng, là một lựa chọn tốt cho các bữa phụ.
Bông cải xanh
Bông cải xanh chứa nhiều chất phytochemical là chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ thực vật; cung cấp nhiều vitamin (A, C), kali, canxi và rất ít calo. Theo Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ, chế độ ăn nhiều rau họ cải, gồm bông cải xanh có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như đại trực tràng, phổi, bàng quang, ung thư vú âm tính với thụ thể estrogen...
Cải xoăn
Cải xoăn chứa glucosinolates có thể chống viêm tốt cho người bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường. Rau này cũng có lutein và zeaxanthin, làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, lutein có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch, sự tích tụ mảng bám cứng trong mạch máu. Cải xoăn giàu vitamin A, C, K và khoáng chất canxi, sắt, magie, kali nhưng có ít natri và calo. Bạn nên thêm cải xoăn vào món salad hoặc như một món ăn nhẹ để tận dụng lợi ích của nó.
Rau chân vịt
Rau chân vịt (bina) có tác dụng chống viêm mạnh do chứa nhiều lutein, vitamin (A, K) và beta-carotene. Rau bina cũng cung cấp sắt và folate, rất ít calo. Ăn nhiều rau bina còn làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng.
Dầu ô liu
Dầu ô liu chứa polyphenol giúp giảm viêm, hỗ trợ bảo vệ các tế bào chống lại ung thư và có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Thực phẩm này cũng giàu chất béo không bão hòa đơn làm giảm cholesterol, tốt cho tim mạch. Bạn có thể dùng dầu ô liu để nấu ăn, trộn salad hoặc ăn kèm các món rau khác.
Cá hồi
Cá hồi rất giàu axit béo omega-3 và là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa astaxanthin. Chất béo lành mạnh trong cá béo (cá hồi, cá thu...) làm giảm viêm và kiểm soát cholesterol, tốt cho người béo phì, ung thư, tiểu đường. Mọi người nên ăn cá béo ít nhất hai lần một tuần.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)