Lựu chứa chất chống oxy hóa và chất chống viêm. Nước ép lựu có lợi cho người mắc bệnh viêm nhiễm, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác. Quả này cũng có thể tăng cường tiêu hóa và trí nhớ, giúp ngăn ngừa ung thư và giảm tình trạng kháng insulin. Vitamin C trong lựu hoạt động giống như chất chống oxy hóa, có lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường type 2. Các hợp chất khác cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói.
Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Jordan, các thành phần từ lựu (vỏ, hạt, hoa) và nước ép lựu có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa và peroxid hóa lipid, các chuyển hóa liên quan đến bệnh tiểu đường type 2. Sự tác động này xảy ra là do các thành phần hóa học trong lựu trung hòa trực tiếp các loại oxy phản ứng được tạo ra, làm tăng một số hoạt động của enzyme chống oxy hóa.
Axit punicic trong quả lựu, chiết xuất methanolic từ hạt và chiết xuất vỏ có thể làm giảm mức đường huyết lúc đói. Các hợp chất khác trong quả lựu như punicalagin; axit ellagic, gallic, oleanolic, ursolic và uallic có tác dụng chống bệnh tiểu đường. Phần đường trong nước ép trái cây này có chất chống oxy hóa polyphenol (tannin và anthocyanin) làm giảm viêm nhiễm, có lợi trong kiểm soát các tình trạng ở bệnh tiểu đường type 2.
Nghiên cứu của Đại học Sydney (Australia) phát hiện ra rằng, sử dụng chiết xuất metanol từ hoa lựu (500 mg hàng ngày) trong 6 tuần có thể ức chế sự gia tăng nồng độ glucose, cải thiện độ nhạy của insulin. Điều này cho thấy, chiết xuất từ hoa lựu có thể hoạt động chống bệnh tiểu đường.
Chiết xuất hoa lựu có thành phần axit gallic có đặc tính kích hoạt PPAR. PPAR-alpha tham gia vào quá trình điều hòa hấp thu và oxy hóa axit béo, viêm và chức năng mạch máu. PPAR-gamma tham gia vào quá trình hấp thu và dự trữ axit béo, cân bằng nội môi glucose và viêm. Do đó, các PPAR là chất điều hòa chính của quá trình chuyển hóa lipid và glucose. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, các đặc tính kích hoạt PPAR-alpha/-gamma kép của hoa lựu có khả năng điều trị bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan. Sự kích hoạt này cũng giúp giảm viêm và cải thiện tăng đường huyết, có lợi trong kiểm soát bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu của Công ty TNHH Rimonest (Israel) cũng cho thấy, hoa, hạt và nước ép lựu chứa các chất có hoạt tính hạ đường huyết. Hoa và nước ép lựu có thể liên kết gamma-gamma kích hoạt thụ thể tăng sinh peroxisome và sản xuất oxit nitric giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường. Các hợp chất trong lựu gồm axit oleanolic, ursolic và gallic cũng có tác dụng trị đái tháo đường.
Người tiểu đường có thể uống nước ép lựu cho mục đích kiểm soát đường huyết và quản lý bệnh. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một quả lựu trung bình nặng 280 g chứa khoảng 39 g đường, người bệnh tiêu thụ vẫn giữ được mức glucose trong giới hạn cho phép. Người tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung chiết xuất lựu.
Mai Cat (Theo Medical News Today)