Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, ngoài thuốc, tập thể dục, ăn uống lành mạnh thì bổ sung vào chế độ ăn thường xuyên 5 thảo dược sau có thể giúp hạ đường huyết ở người tiểu đường.
Nha đam
Đại học Silpakorn (Thái Lan) đã xem xét 235 bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường type 2 uống nha đam (lá nha đam nghiền thô và nước ép nha đam) mỗi ngày, trong 2-3 tháng. Kết quả cho thấy mức đường huyết lúc đói và mức A1C (đường huyết trung bình trong 3 tháng) giảm đáng kể, cải thiện tình trạng kháng insulin. Nghiên cứu khác của Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cũng chỉ ra, nha đam có thể làm giảm nồng độ glucose máu lúc đói (FBG), A1C, chất béo trung tính và mức cholesterol xấu (LDL). Nó cũng làm tăng mức độ cholesterol tốt (HDL) ở bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường.
Nha đam có dạng nước ép, chiết xuất và thực phẩm bổ sung. Nước ép nha đam có thể gây tiêu chảy, phát ban và chuột rút do mủ trong lá cây. Để tránh các triệu chứng này, bạn nên chọn các sản phẩm làm từ phần thịt lá nha đam. Không uống quá 240 ml nước ép nha đam mỗi ngày để tránh tiêu chảy. Thảo dược này có thể tương tác với các loại thuốc chống trầm cảm và an thần, làm giảm hoặc tăng hoạt tính của thuốc gây ra tác dụng phụ. Người bệnh tiểu đường nên tham khảo ý bác sĩ trước khi sử dụng.
Mướp đắng
Theo nghiên cứu của Đại học Y Schleswig-Holstein (Đức), viên nang chiết xuất mướp đắng chứa một thành phần hoạt động ức chế sản xuất enzyme 11β-HSD. Enzyme này phá vỡ cortisone thành dạng cortisol hoạt động dẫn đến tăng đường huyết. Do đó, loại quả này có đặc tính làm hạ đường đường huyết, hỗ trợ chống bệnh tiểu đường.
Mướp đắng có thể ăn quả, ép lấy nước uống hoặc dùng chiết xuất dạng thực phẩm bổ sung, bột hạt quả. Người ăn quá nhiều mướp đắng có thể bị tiêu chảy, đau bụng nhẹ hoặc lượng đường trong máu rất thấp khi dùng cùng với insulin. Người bệnh tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các dạng mướp đắng cho mục đích kiểm soát đường huyết.
Cây thìa canh
Nghiên cứu của Đại học Bang Florida (Mỹ) cho thấy, cây thìa canh có thể làm giảm cảm giác thèm đường, giảm tốc độ hấp thụ đường, có lợi trong điều trị tiểu đường. Nghiên cứu khác của Đại học MS Baroda (Ấn Độ) cũng chỉ ra, người mắc tiểu đường type 2 tiêu thụ 500 mg cây thìa canh mỗi ngày trong 3 tháng có lượng đường trong máu lúc đói và sau ăn đều giảm xuống. Ngoài ra, các triệu chứng bệnh tiểu đường như khát nước, mệt mỏi ít đi, nồng độ lipid được cải thiện và giảm mức độ A1C.
Cây thìa canh có ở dạng chiết xuất (nước, viên nang), trà hoặc bột. Người bệnh tiểu đường không dùng dây thìa canh và insulin cùng lúc vì có thể làm đường huyết xuống quá thấp, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Hạt thì là đen
Theo nghiên cứu của Đại học Kebangsaan Malaysia, hạt thì là đen chứa hợp chất thymoquinone có thể làm giảm lượng đường trong máu ở người tiểu đường type 2. Điều này là nhờ vào tác dụng làm tăng độ nhạy và mức insulin. Thảo dược này có ở dạng chất bổ sung, tinh dầu, thường an toàn với lượng dùng là từ 1.000-2.000 mg mỗi ngày. Dùng liều cao hơn có thể gây khó chịu cho dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và nôn, táo bón. Thì là đen có thể tương tác với thuốc điều trị huyết áp cao.
Quế
Bệnh viện Đại học Y khoa Kyung Hee (Hàn Quốc) cho thấy, 54 người bệnh tiểu đường dùng 500 mg quế mỗi ngày trong 12 tuần có đường huyết lúc đói thấp hơn so với người dùng giả dược và cải thiện khả năng dung nạp glucose. Dùng liều lượng quế cao có thể gây ợ nóng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn và tiêu chảy. Một số loại quế có chứa hợp chất coumarin làm tăng men gan. Người bệnh gan, tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung quế.
Nhân sâm Mỹ
Loại cây này tên khoa học là panax quinquefolius, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, được trồng nhiều ở Trung Quốc, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, tiểu đường. Nghiên cứu của Đại học Toronto (Canada) chỉ ra, tiêu thụ thảo dược này trong 12 tuần giúp giảm lượng đường trong máu.
Nhân sâm Mỹ có ở dạng chiết xuất hoặc viên nang, có tương tác vừa phải với các loại thuốc trị tiểu đường, có thể dẫn đến đường huyết hạ thấp quá mức. Một số người bị loãng máu, mất ngủ, tiêu chảy, đau đầu và lo lắng khi sử dụng thảo dược này nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)