Ngủ đủ giấc, gồm cả giấc ngủ sâu và không bị gián đoạn, có lợi cho tâm trí và cơ thể. Dưới đây là những lợi ích cụ thể.
Xây dựng cơ bắp
Hormone tăng trưởng cần thiết cho sự phát triển bình thường và các chức năng của cơ thể. Khi ngủ sâu vào ban đêm, cơ thể giải phóng hormone tăng trưởng giúp xây dựng và sửa chữa các mô, hạn chế tác động của sự hao mòn năng lượng lên cơ thể. Lưu lượng máu tăng lên đến các cơ trong khi ngủ sâu sẽ hỗ trợ các quá trình này.
Tăng cường chức năng não
Giấc ngủ ngon và sâu để cơ thể loại bỏ chất thải khỏi não, gồm protein beta-amyloid, được tìm thấy với số lượng bất thường trong não của người bệnh Alzheimer. Loại bỏ chất thải giúp não xử lý và lưu trữ ký ức tốt, dẫn đến trí nhớ hiệu quả hơn.
Giảm đau
Nếu không ngủ sâu, cơn đau mạn tính có thể nặng hơn. Thiếu giấc ngủ sâu có liên quan đến tình trạng đau cơ xơ hóa gây đau đớn, trầm cảm và mệt mỏi. Khi ngủ sâu hơn, người bệnh cảm thấy bớt đau hơn.
Tăng trưởng tốt hơn
Đôi khi, không thể ngủ sâu hơn vào ban đêm có thể gây ra các vấn đề về tăng trưởng ở trẻ. Ví dụ, trẻ bị rối loạn giấc ngủ (ngưng thở khi ngủ) ít sâu giấc hơn. Ngủ không đủ số giờ khuyến nghị cản trở giải phóng hormone tăng trưởng, dẫn đến phát triển chậm hơn bình thường. Tốc độ tăng trưởng tăng lên nếu rối loạn giấc ngủ được điều trị.
Tăng cường miễn dịch
Người thường xuyên thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc dễ mắc các bệnh thông thường như cảm lạnh, cúm hơn. Thiếu ngủ sâu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư. Giấc ngủ sâu giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, giảm khả năng mắc bệnh.
Để ngủ sâu giấc vào ban đêm, bạn nên ngủ trưa ngắn, tránh tiêu thụ caffeine (trà, cà phê, nước ngọt), nhất là gần giờ đi ngủ; uống rượu có chừng mực. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, liều lượng uống rượu vừa phải là hai ly trở xuống mỗi ngày đối với nam và một ly hoặc ít hơn mỗi ngày đối với nữ.
Tập thể dục có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tắm nước ấm hoặc tắm vòi sen khoảng 90 phút trước khi đi ngủ, phòng ngủ mát, tối và yên tĩnh cũng dễ chìm vào giấc ngủ.
Một số loại thuốc có thể gây khó ngủ như thuốc chống trầm cảm, giảm đau, lợi tiểu. Người bệnh nên trau đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc chuyển sang thuốc khác nếu thuốc ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |