Bông cải xanh cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, có đặc tính chống ung thư, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và não. Loại rau họ cải này cũng giàu dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, C, K, folate, kali, chất xơ... giúp cơ thể hoạt động tốt. Bông cải xanh không chứa tinh bột, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường.
Giàu chất xơ
Bông cải xanh là lựa chọn tốt cho bữa ăn của người muốn giảm cân, duy trì cân nặng ổn định, nhờ chứa nhiều chất xơ, lượng carbohydrate (carbs) thấp. Sự kết hợp giữa chất xơ và lượng carbs thấp làm chậm quá trình tiêu hóa, không ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ khác góp phần tăng cảm giác no nhanh và no lâu. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị người tiền tiểu đường và tiểu đường nên áp dụng phương pháp chiếc đĩa, nghĩa là một đĩa thức ăn cần đảm bảo 50% là rau không chứa tinh bột.
Chứa hàm lượng cao sulforaphane
Sulforaphane là hợp chất chứa lưu huỳnh có trong rau họ cải, tạo nên hương thơm và vị đắng đặc trưng. Hợp chất này có vai trò hỗ trợ kiểm soát đường huyết và tình trạng kháng insulin, giảm căng thẳng oxy hóa gây tổn hại đến mạch máu. Từ đó, người tiểu đường có thể phòng tránh biến chứng tim mạch, đột quỵ. Người bệnh có thể ăn 3-5 bữa rau họ cải trong một tuần, nên thay đổi cách chế biến để bớt nhàm chán.
Giúp giữ nước
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tình trạng mất nước làm cô đặc lượng đường trong máu, khiến chỉ số này tăng nhanh. Ngược lại, khi lượng đường trong máu tăng, người bệnh đi tiểu nhiều hơn, có nguy cơ cao mất nước. Bông cải xanh chứa 90% là nước. Ăn loại rau họ cải này là một cách để giữ nước.
Dễ chế biến
Bông cải xanh có thể được chế biến theo nhiều cách như làm salad, hấp, luộc hoặc xào, thêm vào súp, món hầm... Bông cải xanh nướng làm nổi bật vị ngọt của rau. Thay đổi cách chế biến giúp bạn không bị nhàm chán và có thể ăn rau họ cải thường xuyên.
Người tiểu đường có thể ăn bông cải xanh trong bữa sáng hoặc kết hợp cá hồi, thịt bò, trứng cho bữa trưa và tối. Khi mua nên chọn bông cải tươi, chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh 3-5 ngày để giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Ăn nhiều bông cải xanh một lúc có thể gây đầy hơi và chướng bụng. Để tiêu hóa dễ hơn, bạn nên ăn bông cải xanh chín trước, với lượng nhỏ, sau đó tăng dần lượng tiêu thụ. Khi cơ thể quen dần, bạn mới nên thử ăn sống. Bông cải xanh rất giàu vitamin K thúc đẩy quá trình đông máu trong cơ thể. Nếu đang dùng thuốc chống đông máu, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng bông cải xanh có thể dùng.
Anh Chi (Theo Eating Well)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |