Tư thế ngồi xếp bằng (bắt chéo chân) trong yoga tạo cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng, có thể tác động đến cơ vùng hông, đầu gối, lưng. Dưới đây là những lợi ích cụ thể.
Giảm căng thẳng cho cơ hông
Ngồi trên ghế trong thời gian dài có thể khiến hông căng cứng, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, ổn định và thăng bằng của cơ thể. Tư thế ngồi bệt bắt chéo chân, hạ thấp cả hai đầu gối sang bên phải và áp sát xuống sàn nhà vài phút hỗ trợ cơ vùng hông, giảm căng thẳng.
Cải thiện tư thế
Ngồi xếp bằng trong tư thế bắt chéo chân trên sàn giúp các khớp thẳng hàng để duy trì sự cân bằng và khuyến khích cơ thể giữ lưng thẳng, hạn chế khom lưng, giảm đau cho cổ, lưng.
Ngồi xếp bằng còn phản ánh các vùng cơ trên cơ thể đang gặp vấn đề. Người có cơ vùng mông không đủ khỏe thường cảm thấy tê mông nhanh chóng và mất cảm giác. Đùi quá yếu, không săn chắc hoặc quá trình lưu thông máu rối loạn khiến chân tê buốt.

Ngồi bắt chéo chân trên sàn có thể kéo căng các cơ lưng, hông, mắt cá chân. Ảnh: Freepik
Tăng tính linh hoạt
Khi ngồi bắt chéo chân trên sàn, các cơ ở đầu gối, hông và mắt cá chân được kéo căng. Điều này hỗ trợ các cử động hàng ngày dễ dàng hơn, rèn luyện sức mạnh, tính dẻo dai và giảm nguy cơ căng cơ, chấn thương.
Sống lâu hơn
Theo nghiên cứu năm 2016 của Trường Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), người ngồi trên sàn trong tư thế bắt chéo chân (Sukhasana hoặc Padmasana) có thể đứng dậy mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào có nhiều khả năng sống lâu hơn. Các nhà khoa học lý giải do tư thế này cần rất nhiều sức mạnh và nó tạo nên sự linh hoạt để đứng dậy từ vị trí đó.
Hoạt động cơ bắp nhiều hơn
Ngồi bệt trên sàn đòi hỏi hoạt động cơ bắp ở phần dưới cơ thể nhiều hơn so với ngồi trên ghế. Do đó, tư thế này giúp bảo vệ con người khỏi tác hại của việc không hoạt động.
Để ngồi bắt chéo chân trên sàn đúng cách, mỗi người nên ngồi trên một chiếc gối nhằm giảm khó chịu ở xương cụt và đặt xương chậu thẳng hàng với cột sống. Tránh thõng vai, giữ lưng thẳng khi ngồi.
Người mắc bệnh về tuần hoàn máu như giãn tĩnh mạch, phù nề hoặc đang mang thai, chấn thương đầu gối không nên ngồi xếp bằng.
Huyền My (Theo India Express, Times, Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |