ThS.BS. Mai Mạnh Tam, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, lệch vách ngăn mũi là tình trạng vách ngăn mũi bị dịch chuyển đáng kể sang một bên, làm cho đường dẫn không khí một bên mũi nhỏ hơn bên còn lại.
Nguyên nhân gây lệch vẹo vách ngăn mũi
Dưới đây là một số nguyên nhân gây lệch vẹo vách ngăn mũi.
- Bẩm sinh: xảy ra trong quá trình mẹ mang thai, bào thai phát triển và biểu hiện rõ rệt khi bé được sinh ra đời.
- Chấn thương: có thể khiến vách ngăn mũi di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu. Ở trẻ sơ sinh, chấn thương này thường xảy ra trong quá trình sinh đẻ. Ở trẻ em và người lớn, các tai nạn có thể dẫn đến chấn thương mũi và lệch vách ngăn. Ví dụ bị đánh vào mũi có thể gây gãy xương chính mũi kèm theo biến dạng vách ngăn mũi.
- Do lão hóa: lão hóa cũng có thể làm thay đổi cấu trúc của mũi và vách ngăn mũi bị vẹo sang một bên theo thời gian dài.
- Do viêm nhiễm: tình trạng viêm mạn tính vùng mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang khiến người bệnh khó chịu. Động tác quẹt mũi thường xuyên do viêm mũi khi còn nhỏ, lúc vách ngăn chưa phát triển hoàn chỉnh có thể làm thay đổi cấu trúc vách ngăn dẫn tới tình trạng vẹo vách ngăn mũi.
- Do phẫu thuật chỉnh hình nâng mũi thất bại: nâng mũi, thu hẹp cánh mũi thất bại cũng đẩy mũi lệch sang một bên.
- Biến chứng do lệch vách ngăn mũi
Lệch vách ngăn mũi thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, vẫn có số lượng lớn người bị lệch vách ngăn mà không được chữa trị dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Nguyên nhân do lỗ mũi biến dạng, đường thở một bên hoặc hai bên bị thu hẹp, khiến hệ hô hấp ảnh hưởng, từ đó gây nhiều hệ lụy.
- Dễ mắc bệnh đường hô hấp: người bị lệch vách ngăn mũi khiến mũi bị vẹo sang một bên, đường thở một bên lỗ mũi bị thu hẹp hoặc bị bịt kín khiến người bệnh dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp.
- Viêm họng: tình trạng nghẹt mũi kéo dài, nghẹt nhiều sẽ khiến người bệnh phải thở bằng miệng, gây khô miệng, dễ nhiễm trùng.
- Viêm mũi xoang
- Chảy máu mũi
- Ngủ ngáy
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu một bên hít thở gặp khó khăn, một bên hẹp thường không thở được thì bạn nên làm ngay là đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sớm nhất có thể để được thăm khám và có thể thực hiện:
- Nội soi tai mũi họng giúp quan sát toàn bộ vách ngăn mũi, từ đó xác định bên bị bệnh lý lệch vách ngăn mũi, và mức độ bệnh.
- Chụp X-quang vùng mặt: phản ánh tình trạng lệch vách ngăn phần xương.
- Chụp cắt lớp mũi xoang: với hình ảnh rõ nét giúp bác sĩ quan sát chi tiết bên trong khoang mũi, kể cả phần hẹp nhất và sâu nhất của mũi, đồng thời khảo sát tình trạng biến chứng viêm các xoang do lệch vách ngăn gây ra.
Phương pháp điều trị lệch vách ngăn mũi
ThS.BS. Mai Mạnh Tam chia sẻ thêm, lệch vách ngăn mũi mức độ nhẹ không cần điều trị, tuy nhiên nếu có các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy máu mũi, viêm xoang thì người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện tại không có thuốc nào điều trị cho vách ngăn thẳng lại. Đa số trường hợp lệch vách ngăn ảnh hưởng chức năng mũi xoang, gây ngủ ngáy, thường xuyên chảy máu điểm mạch mũi thì cần can thiệp phẫu thuật.
Điều trị bằng thuốc chủ yếu giải quyết giảm triệu chứng nghẹt mũi do phù nề niêm mạc, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng.
- Thuốc nhỏ mũi co mạch: tác dụng thuốc làm giảm sưng mô mũi, giúp đường thở ở cả hai bên cánh mũi thông thoáng.
- Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid: nhóm thuốc xịt mũi có thể làm giảm sưng tấy bên trong đường thở, hạn chế chảy dịch mũi.
- Thuốc kháng histamin: giúp ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng, bao gồm nghẹt mũi và sổ mũi.
Can thiệp phẫu thuật: giúp chỉnh hình vách ngăn là phương pháp thường được bác sĩ sử dụng khi điều trị nội khoa bằng thuốc thất bại.
Kim Uyên