Theo Thạc sĩ bác sĩ CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, chấn thương dây chằng ngoài khớp cổ chân xảy ra do chân trụ không vững. Khi người chơi thể thao tiếp đất, lòng bàn chân lật vào trong, cổ chân lật ra ngoài.
Sưng đau, đặc biệt là khi đi lại, và không thể chạy, bầm tím vùng cổ chân... là những dấu hiệu đặc trưng của chấn thương này. Tổn thương dây chằng bên ngoài khớp cổ chân được chia thành 4 mức độ, lần lượt là: giãn dây chằng, đứt dây chằng một phần, đứt dây chằng hoàn toàn, đứt dây chằng kèm gãy xương.
Giãn dây chằng hoặc đứt dây chằng một phần
Đây là những trường hợp nhẹ, có thể xử lý bằng phương pháp RICE trong 48 giờ đầu tiên: R - nghỉ ngơi, dừng các hoạt động thể thao, hạn chế đi lại; I - bọc đá vào khăn, chườm lên khớp cổ chân mỗi 2 giờ/lần, mỗi lần 20 phút; C - băng ép khu vực bị thương; E - nâng vị trí chấn thương lên cao hơn so với tim. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm thuốc giảm đau, kháng viêm nếu cần thiết.
Dù tình trạng giãn hoặc đứt dây chằng một phần có thể tự hồi phục, di chứng để lại là dây chằng giảm độ đàn hồi, lỏng mãn tính, chấn thương dễ tái phát. Do đó, bác sĩ Trần Anh Vũ khuyến cáo, nếu sau 5 - 7 ngày, các triệu chứng không giảm và có xu hướng nghiêm trọng hơn thì người bệnh nên đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị.
Đứt dây chằng hoàn toàn hoặc kèm gãy xương
Khi bị đứt dây chằng cổ chân hoàn toàn hoặc có kèm gãy xương, vùng khớp cổ chân của người bệnh gần như mất đi khả năng vận động, cảm thấy chông chênh khi đi lại... Tùy vào nhu cầu vận động trong tương lai mà người bệnh có thể chọn phẫu thuật hay không. Nếu không phẫu thuật, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Anh Vũ cảnh báo, lúc này, người bệnh sẽ mất đi khả năng chạy nhảy, chơi các môn thể thao yêu thích..., đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp cổ chân.
Ngoài ra, nếu tình trạng lật sơ mi cổ chân thường xuyên xảy ra ( 2 - 3 lần/năm trở lên) là dấu hiệu cho thấy vùng khớp cổ chân của người bệnh không vững. Lúc này, phẫu thuật là hướng điều trị thích hợp.
Bác sĩ Trần Anh Vũ cho biết, hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị đứt dây chằng bên ngoài khớp cổ chân. Trong đó, phương pháp tiên tiến nhất là khâu nối dây chằng, đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Đây là phương pháp điều trị được nhiều vận động viên lựa chọn vì thời gian phục hồi nhanh chóng do thúc đẩy sự tái tạo, khả năng tự lành của chính dây chằng, không cần phải lấy gân để ghép.
Lưu ý hậu phẫu
Khớp cổ chân là vùng thấp nhất trên cơ thể, khi đứng, gần như tất cả lực dồn lên khớp cổ chân, buộc khu vực này vốn đang bị tổn thương phải gánh thêm một lực rất nặng. Do đó, trong khoảng 3 tháng đầu sau khi phẫu thuật, khớp cổ chân dễ dàng sưng to hoặc đau lại. Để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, sau khi phẫu thuật, khớp cổ chân cần được cố định hoàn toàn, hạn chế di chuyển, kê chân lên cao khi ngồi, chườm lạnh... Tuy nhiên, việc hạn chế di chuyển trong thời gian dài sẽ làm khớp cổ chân cứng và mất linh hoạt. Do đó, người bệnh nên phối hợp thực hiện các bài tập phục hồi theo chỉ định của bác sĩ.
Sau khi khớp cổ chân đã phục hồi, bác sĩ Trần Anh Vũ khuyến cáo người bệnh vẫn không nên chủ quan, cần phải chú ý nhiều điều như: tiếp tục tập luyện vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế, không tập luyện quá sức, thả lỏng các cơ khi luyện tập, ngừng ngay khi cảm thấy đau. Đặc biệt, bác sĩ đề nghị người bệnh không nên vội vàng quay lại với việc thi đấu, chơi thể thao, vì khi đó, người bệnh buộc phải thực hiện các động tác cường độ cao, làm tăng nguy cơ tái phát và chấn thương lúc này sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn trước đó.
Phi Hồng