Học phí các trường đại học mấy năm gần đây tăng dần qua hàng năm, và không có trường hợp nào giảm cả, chỉ có tăng, nhưng chất lượng giảng dạy của giảng viên thì hầu như không có gì thay đổi bởi một quy định bất thành văn mà sinh viên nào cũng phải hiểu (trong đó có tôi, cũng từng là sinh viên): giảng viên luôn có nhiều kiến thức hơn, giỏi hơn và bằng cấp cao hơn sinh viên, nên sinh viên chỉ nên nghe, chứ đừng dại cho ý kiến hay phản biện điều gì trái ý họ.
Đương nhiên, sinh viên được truyền đạt kiến thức từ giảng viên. Nhưng phương pháp dạy, cách truyền đạt và thậm chí trình độ chuyên môn của của không ít giảng viên đang rất tệ. Tôi cũng đã trải qua thời sinh viên của hai trường đại học (có văn bằng 2) và thời gian học Thạc sĩ. Và vài chục năm sau, con cháu tôi học, chúng lại gặp vấn đề như tôi hay của rất nhiều người từng gặp (không phải tất cả, nhưng không hiếm).
Có thể kể ra vài vấn đề nổi cộm như: giảng viên chỉ đọc cho sinh viên chép trên lớp; nói thao thao trên lớp cho đến hết giờ mà không cần biết sinh viên có hiểu vấn đề không; giảng bài rất hay nhưng luôn tự mãn rằng "tôi là tiến sĩ, các anh chị chỉ là sinh viên, đừng cho rằng anh chị có thể giỏi hơn tôi về kiến thức; thường xuyên né tránh gặp gỡ, trao đổi với sinh viên làm đề tải bảo vệ (người hướng dẫn chưa duyệt đề tài thì làm đề cương luận văn thế nào được?);
Ngoài ra, khi sinh viên thắc mắc, không hiểu bài, tìm hỏi giảng viên, không hiếm trường hợp như bị gáo nước lạnh tạt vào mặt: Thành ra, dù có hiểu bài hay không thì cũng chẳng sinh viên nào muốn hỏi, im lặng cho lành, hết giờ thì về. Còn nếu giảng viên hỏi: "Có ai thắc mắc gì không?", cả lớp cũng im lặng cho xong chuyện;
Giảng viên thiếu đạo đức nghề nghiệp cũng không hề hiếm. Vào lớp học, tôi có cảm giác sinh viên đại học mà như lớp mẫu giáo ấy, giảng viên nói gì nghe nấy. Người thân tôi du học nước ngoài, luôn tôn sư trọng đạo, nhưng lớp rất sôi nổi, sinh viên đặt vấn đề để giảng viên trả lời và ngược lại, giảng viên ra câu hỏi để sinh viên trả lời trên tinh thần hiểu thế nào thì nói thế ấy, đúng - sai sẽ cùng nhau phân tích để cả lớp cùng hiểu rõ. Chứ ở ta, sinh viên nào trả lời, ý kiến trái với giảng viên có khi sẽ bị chỉnh ngay.
Trường đại học là môi trường giáo dục, nhưng thực tế, ngay khi sinh viên vào cổng trường, không ít trường gặp ngay người trông giữ xe ăn nói thô tục, kiểu chợ búa, quát tháo. Bãi xe bé dù diện tích nhiều trường rộng mênh mông khiến chổ gửi xe luôn ùn ứ. Vậy đào tạo nhân tài thế nào được?
>> Lương bố mẹ tăng một, học phí đại học của con tăng mười
Tôi cũng từng là sinh viên đại học, cao học nên cũng đã mắt thấy, tai nghe những việc chưa tốt. Theo tôi, có vài điểm cần được điều chỉnh ngay:
Thứ nhất, sinh viên là thế hệ tương lai của đất nước, phải tạo cơ hội để họ lên tiếng trong mọi môn học một cách thoải mái hay các vấn đề liên quan dến giảng dạy, đến giải quyết các vấn đề xã hội... đừng xem họ như những học sinh cấp 1, 2, 3.
Thứ hai, nhà trường nên tổ chức đánh giá giảng viên hàng năm: sinh viên bỏ phiếu kín đánh giá giảng viên của mình (đánh giá, góp ý) và công bố công khai kết quả.
Thứ ba, công bố chi tiết, rõ ràng lý do tăng học phí. Học phí tăng thì quyền lợi sinh viên có tăng theo tương ứng hay không?
Thứ tư, nhà trường kiến nghị, đề xuất chương trình dạy với cơ quan cấp trên sao cho thật thực tế, tập trung vào giảng dạy chuyên ngành ngay từ năm đầu, bỏ những môn không cần thiết.
Thứ năm, sinh viên được quyền chọn giảng viên hướng dẫn đề tài (nếu tìm không được thì nhà trường chỉ định). Giảng viên chấp nhận hướng dẫn đề tài phải lên thời gian biểu tiếp sinh viên và gửi thời gian biểu này cho phòng Đào tạo.
Thứ sáu, nhà trường phải nghiêm khắc với những giảng viên kém đạo đức (vòi tiền, tình... để đổi lấy điểm đậu, duyệt đề tài...) bằng hình thức cao nhất là sa thải. Những giảng viên nào hai năm liền được sinh viên đánh giá yếu kém trong giảng dạy, nhà trường nên chuyển qua công việc khác như văn thư... hoặc chấm dứt hợp đồng.
Thứ bảy, tập thể giảng viên bỏ phiếu kín hàng năm đánh giá tín nhiệm ban giám hiệu nhà trường, bởi tôi biết việc trù dập giảng viên là có. Lãnh đạo cấp cao hơn của trường phải luôn giám sát ban giám hiệu thông qua phiếu đánh giá tín nhiệm hàng năm.
Trong suốt quãng đời học sinh, sinh viên, có những nhà giáo yêu nghề, yêu trò, có tâm với nghề luôn được nhiều thế hệ học trò quý mến. Nhưng tôi chỉ muốn đề cập những cái chưa tốt để việc giảng dạy hoàn thiện hơn, tạo môi trường học tập hăng say, giáo dục tốt con người về chân - thiện - mỹ, giúp ích cho bản thân người học và có ích cho xã hội. Muốn vậy, bản thân giảng viên phải là tấm gương sáng. Môi trường giảng dạy tốt hay không là do chính Ban giám hiệu trường tạo ra. Đào tạo đại học phải đúng nghĩa của nó, chứ không phải học đại. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải là những người đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Còn nhiều vấn đề nhưng có lẽ tôi không thể nói đủ, nói chi tiết trong một bài viết. Mong rằng nhiều người trong xã hội sẽ góp nhiều ý hơn nữa để nền giáo dục nước nhà tốt lên. Và điều quan trọng không kém, đó là ngân sách đầu tư cho giáo dục, y tế nói chung càng nhiều càng tốt. Đó là điều mà mọi người dân trong xã hội đều mong mỏi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.