Chính phủ vừa đồng ý tăng học phí đại học và cơ sở giáo dục nghề từ năm học tới, theo lộ trình đã định từ năm 2021. Theo đó, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41-2,76 triệu đồng một tháng, tùy từng khối ngành. Mức thu cũ là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng. Những trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (2,8-5,5 triệu đồng). Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần (3,5-6,9 triệu đồng).
Đánh giá tác động của việc tăng học phí đối với các gia đình sinh viên khó khăn, độc giả River Blue cho rằng: "Hay so sánh thu nhập của người Việt là bao nhiêu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn để xem mức tăng học phí có phù hợp với thực tế khách quan không? Như một sinh viên đại học công lập, mỗi học kỳ phải đóng học phí 30 triệu đồng. Một năm có tới hai hoặc ba học kỳ, chưa kể còn thêm phần sinh hoạt cá nhân, thuê trọ, ăn uống, mua tài liệu... Tính ra, một năm số tiền mà sinh viên phải chi tiêu lớn đến mức nào?
Nếu gia đình có 2-3 con đang học đại học thì họ sẽ cần bao nhiêu tiền mới đủ để chu cấp? Nếu gia đình có hai con học đại học thì số tiền phải bỏ ra mỗi năm có khi gần bằng giá trị một chiếc ôtô bốn chỗ chứ chẳng đùa. Như thế những gia đình làm nông kiếm tiền đâu ra để lo cho con ăn học đại học? Thế nên nhiều bạn trẻ học hết 12 đã phải nghỉ ngang để đi làm công nhân, kiếm tiền phụ gia đình, lo cho các em ăn học. Có khi đến cả Trung cấp họ cũng không có tiền học chứ nói gì đến đại học.
Thực tế, các vùng nông thôn ở các tỉnh, thu nhập của người dân rất thấp, chỉ đủ nuôi các con học hết lớp 12 là may lắm rồi. Chỉ có những ai sinh ra ở thành phố hay gia đình có điều kiện mới không hiểu hết những khó khăn mà sinh viên nghèo gặp phải. Nhiều em mơ ước được học lên cao sau khi hết phổ thông, đó là một ước mơ chính đáng, nhưng vì gia đình không đủ điều kiện nên đành phải từ bỏ chỉ vì học phí quá cao. Vậy có phải công bằng cho các em?".
Đồng cảm với khó khăn của những sinh viên có điều kiện gia đình khó khăn, bạn đọc Toan map chia sẻ: "Học phí đại học bây giờ quả thật gây choáng. Đại học tầm trung giờ cũng có học phí lên tới 4 triệu đồng một kỳ. Trong khi đó, sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học còn phải gánh thêm chi phí ăn, ở vô cùng tốn kém. Thử hỏi, cha mẹ các em làm nông dưới quê lấy đâu ra con số tiền khổng lồ đó để lo cho con. Chưa kể kinh tế ngày càng suy thoái, giá nông sản bèo bọt, phải đi vay vốn cho con em đi học tính ra cũng không dưới 100 triệu đồng mới đủ cho con học hết đại học. Đến khi các em tốt nghiệp xong, bon chen đi làm, sẽ phải mất bao lâu mới xóa được khoản nợ đó?".
>> 'Hai bằng đại học không bằng người có nhà, đất'
Trong khi đó, với góc nhìn khác, độc giả cho rằng, bản thân Tran Minh Giang mỗi sinh viên cần biết liệu cơm gắp mắm thì về cố chen vào đại học khi kinh tế gia đình khó khăn: "Ở nước nào cũng vậy, học Đại Học luôn là gánh nặng chi phí. Ở Mỹ, sinh viên cũng phải cân nhắc chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình mình, chứ không phải cứ học giỏi là đủ. Việc sinh viên ra trường với khoản nợ vài trăm nghìn đôla cũng là chuyện hết sức bình thường ở các quốc gia phát triển. Trừ số ít trường hợp học rất giỏi và gia đình rất nghèo mới được học bổng toàn phần, còn những em chỉ học giỏi không thôi là chưa đủ. Chúng ta phải hiểu đại học không phải là thứ phổ cập, phải biết "liệu cơm gắp mắm".
Ngày trước, khi tôi ra trường cũng gánh khoản nợ gần 120 triệu đồng tiền học phí (do tôi phải tự vay tiền của nhà trường - không tính lãi trong thời gian còn đi học). Sau ba năm đi làm, tôi trả hết số nợ. Tất cả đều là tôi tự lực cánh sinh chứ 18 tuổi rồi không thể cứ trông cậy vào bố mẹ làm nông được. Các trường Đại học và ngân hàng chính sách xã hội luôn có quỹ cho sinh viên khó khăn vay tiền đóng học phí. Nhưng dám vay và trả nợ được hay không lại phải xem bản lĩnh và quyết tâm của bản thân mỗi người".
Cũng không ủng hộ sinh viên dựa dẫm kinh tế hoàn toàn vào bố mẹ, bạn đọc Minh Hoang bình luận: "Có lẽ dần dần, tư duy chỉ trông đợi 100% học phí Đại học vào túi tiền bố mẹ sẽ trở nên lạc hậu. Nhà tôi có đứa cháu muốn đi học Đại học ở Hà Lan, nhưng bố mẹ không có tiền, nên ngay từ lớp 10, cháu đã tìm tòi mọi cách để đạt học bổng du học, bố mẹ chỉ cần hỗ trợ rất ít.
Cá nhân tôi học ở trường trong nước, nhưng từ năm thứ hai đã đi làm thêm đúng ngành nghề và cố học để kiếm học bổng của trường. Sau khi ra trường, tôi có luôn 3-4 năm kinh nghiệm. Khi du học ở Pháp, tôi thấy các bạn sinh viên hầu như đều rất tự lập về tài chính khi qua tuổi 18 chứ không phụ thuộc gia đình. Thế nên, học đại học hay không, bản thân mỗi người cũng phải tự cân nhắc. Thay vì kêu ca học phí cao, nếu bạn thực sự muốn học thì phải chấp nhận vay vốn hoặc đi làm thêm, kiếm học bổng để bù vào... Tính tự lập của mỗi người sẽ quyết định tất cả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.