Không xin được việc làm sau khi ra trường, tình trạng thất nghiệp gia tăng, nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học loại Khá trở lên buộc phải giành các công việc tay chân vốn phù hợp cho người lao động phổ thông.
Nói về tình trạng khó xin việc của người trẻ hiện nay, độc giả Nguyen Quoc Uc cho rằng: "Tình trạng này khá giống với tôi cách đây 12 năm, hồi đó khi mới ra trường, kỹ năng không có, tôi như một trang giấy trắng. Tôi rải một tập hồ sơ xin việc nhưng không một nơi nào tuyển dụng. Lý do được đưa ra là công ty họ cần người biết việc, có kinh nghiệm, chứ không cần kỹ sư có bằng cấp trường này, trường nọ.
Sau một thời gian thấy không ổn, tôi đành phải xin vào một công ty, chấp nhận làm không lương để học việc, chịu khó đi công trình xa, ăn bờ ngủ bụi, dấn thân không khác gì công nhân, để lấy thêm kinh nghiệm. Sau này, khi làm chủ công ty, tôi luôn muốn tạo điều kiện cho các sinh viên mới ra trường vào làm, chấp nhận đào tạo để giúp đỡ họ giống như câu chuyện mà tôi từng trải qua.
Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận thấy đó là một gánh nặng to lớn cho công ty, vì bản thân phải xử lý hết mọi vấn đề sai sót mà nhân sự mới ra trường thường mắc phải. Bên cạnh đó, việc bao bọc, che chở, không có tính cạnh tranh làm cho những nhân sự trẻ không có động lực phấn đấu, ỷ lại vào chủ doanh nghiệp. Nên những bạn trẻ mới ra trường mà chưa tìm được việc, theo tôi nên cố gắng nghiên cứu và trau dồi đầy đủ kỹ năng trong nghề trước khi đi ứng tuyển vào một công ty nào đó để tránh những điều như hiện nay diễn ra".
Đồng cảm với thực tế khó tìm việc của các sinh viên trẻ mới ra trường, bạn đọc Hùng Cường chia sẻ: "Công bằng mà nói các bạn cử nhân, kỹ sư ngày nay ra trường sẽ khó xin việc hơn thời trước. Ở đây, tôi muốn nói đến những công việc đúng ngành nghề đào tạo, đòi hỏi trình độ, chất xám. Điều này một phần đến từ suy thoái kinh tế, nhiều ngành nghề đã bão hòa, trong khi số lượng cử nhân ra trường tăng cao hàng năm, đặc biệt là so với khoảng 10 năm trở về trước.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là các bạn trẻ hoàn toàn không có cơ hội tìm việc. Những bạn giỏi thực sự, năng động, cầu tiến, chăm chỉ và quyết tâm... vẫn có thể xin được việc làm tốt, thậm chí lương sẽ khá cao nếu khẳng định được năng lực bản thân, tăng đều theo kết quả đóng góp. Nhiều người cứ bảo phải có tiền "chạy việc", rồi có quan hệ, con ông cháu cha... mới xin được việc làm tốt, nhưng tôi tin các doanh nghiệp vẫn rất cần người giỏi, làm được việc".
>> 'Khó chiều nhân viên Gen Z'
Trong khi đó, đánh giá về nguyên nhân khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người trẻ ngay nay bị thu hẹp, độc giả Lê Ảnh đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo trong nước: "Năng và sự nỗ lực của sinh viên chỉ là một phần, tôi rằng vấn đề lớn nhất ở đây là do chương trình đào tạo quá nặng về lý thuyết, không mang tính thực tiễn, có phát triển kỹ năng mềm cho người học, nên đa phần các bạn sinh viên mới ra trường rất yếu về mọi mặt.
Tôi từng phỏng vấn rất nhiều bạn trẻ mới ra trường, khi đưa hợp đồng mẫu sẵn có và yêu cầu làm một hợp đồng tương tự, chỉ thay đổi một chút về phương thức thanh toán, giao nhận, nhưng đa số các bạn đều làm tôi không hài lòng. Chưa nói đến nội dung, về hình thức trình bày văn bản thôi đã không chuẩn (căn lề, tiêu đề, đầu mục... đều có vấn đề).
Đấy là tôi chưa thử kiểm tra tới kỹ năng excel và power point, nếu không chắc còn nhiều vấn đề nữa. Còn tiếng Anh thì khỏi phải bàn, đa phần đều rất kém. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên xem lại chương trình đào tạo hiện tại ở bậc đại học có còn phù hợp với thực tế hay không?".
Ở một khía cạnh khác, bạn đọc Hien Nguyen lại đặt vấn đề về câu chuyện định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên: "Rất nhiều người đang ngộ nhận về việc học đại học. Chỉ khổ cho gia đình, cho người học đại học vì học xong ra trường không xin được việc làm. Chất lượng đầu ra của đại học ở Việt Nam khá thấp, không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Vậy tại sao chúng ta không định hướng các em học nghề ngay từ cấp hai, cấp ba? Tại sao các gia đình không dạy con em mình rằng nghề nào cũng tốt, cũng được, miễn là mình thực sự giỏi nghề? Rất nhiều nghề ngày nay có thể kiếm nhiều tiền, ví dụ làm nail, làm tóc, sửa chữa ôtô, thợ hàn Tig 6G, thợ điện công nghiệp... Hãy nhìn nước Đức, họ định hướng phần lớn các em học sinh sẽ đi học nghề, còn lại các em thực sự giỏi, muốn nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu hàn lâm mới nên vào đại học".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.