Học phí các chương trình đào tạo tiêu chuẩn tại nhóm trường thành viên ĐHQG TP HCM năm nay dự kiến dao động vào khoảng 20 đến 30 triệu đồng/năm, chiếm 20% đến 31% GDP đầu người của Việt Nam năm 2022 (hơn 4.100 USD). Học phí các năm tiếp theo có thể tiếp tục tăng hơn 10% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng GDP đầu người chỉ vào khoảng 1,72%/năm - theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Đó là viễn cảnh hiện hữu sau khi Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí được áp dụng, cũng như sau khi các trường thực hiện tự chủ tài chính.
Nói về câu chuyện gánh nặng tài chính của giáo dục đại học tại Việt Nam, độc giả Bao Trung CKM chia sẻ: "Tôi tốt nghiệp Đại học năm 2009, ra trường đi làm với lương khởi điểm 10 triệu đồng. Trong khi đó, học phí của hơn bốn năm học cũng chỉ khoảng một tháng lương. Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp, ra trường đi làm cũng với mức lương khởi điểm không thay đổi là bao, trong khi học phí đại học đã tăng lên gấp 4-5 lần là ít.
Có thể nói, ở Việt Nam, cử nhân ra trường đa số hưởng mức lương chỉ đủ nuôi sống bản thân, để lập gia đình và nuôi con thì cũng phải è cổ 'cày cuốc', còn tính chuyện mua nhà, mua xe thì đúng là viễn vông. Em tôi ra nước ngoài định cư năm 18 tuổi, qua đó chỉ làm công nhân nhà máy nhưng lương một ngày đã gần 200 USD. Em tính toán 'cày' vài năm là sẽ tích góp đủ tiền để có thể bắt đầu mua nhà. Trong khi đó, thử hỏi nếu làm việc ở Việt Nam mà không có bằng cấp như vậy thì lương được mấy đồng?".
Tín dụng sinh viên là một chính sách tài chính quan trọng ở nhiều quốc gia, nhằm tạo sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo. Với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, vay để đi học và trả nợ khi đi làm là chuyện phổ biến. Nhưng câu chuyện ở Việt Nam lại không dễ dàng như thế.
Bạn đọc Mai Thanh Tran nhận định: "Vay vốn cho sinh viên ở Việt Nam chủ yếu chỉ dành cho gia đình có thu nhập thấp, phải xác định là hộ nghèo. Do đó, về cơ bản, đối với những gia đình là nhân viên, công nhân, viên chức, hầu như không thể tiếp cận với nguồn vốn này. Ví dụ như gia đình tôi, vợ chồng đều làm nhân viên cho các công ty TNHH, hoặc cổ phần vốn Việt Nam, vậy thì làm sao chúng tôi được xác nhận là hộ nghèo, vì thu nhập mỗi người đều trên 10 triệu đồng.
Do đó, khi nuôi một con học đại học, một con học lớp 9, một con học lớp 4, chúng tôi phải trầy trật lo tiền đóng học phí, nhưng lại không bao giờ bén mảng được đến mảng tín dụng sinh viên. Trong khi đó, các đại học ở Việt Nam lại đang đào tạo kiểu đại trà, mở quá nhiều, dạy tràn lan, dẫn đến thừa thầy thiếu thợ, lãng phí nguồn lực tài chính và nhân sự".
Làm gì để giảm gánh nặng cho các gia đình nuôi con học đại học? Độc giả Huynh Tien Duc phân tích: "Khó khăn đối với các hộ gia đình có con em học đại học ngày một lớn do chi phí nuôi học lớn so với số tiền cha mẹ kiếm được trên năm (20-30%), chưa kể những chi phí khác cho sinh viên. Học phí này không dễ để xoay sở.
Đối với gia đình khá giả còn có thể theo được, nhưng những hộ nghèo có con em có năng lực theo đuổi cánh cửa đại học thì không như vậy. Họ sẽ buộc phải chọn những công việc khác không cần bằng cấp hay yêu cầu nhiều kiến thức. Tất nhiên là công việc đó không thể trả được lương cao vì ai cũng có thể làm, cần ít năng lực. Vậy là họ sẽ tiếp tục nghèo và rồi con họ cũng vậy. Vậy thứ đang ngăn cản các phụ huynh và sinh viên tiếp cận với cánh cửa đại học, để có tương lai tốt hơn, chính là học phí không phù hợp với đa số.
Sinh viên hiện nay quá bị động và chẳng có đủ khả năng có thể nắm được cho mình con đường học vấn để có được công việc tốt hơn. Để có môi trường cho sinh viên tự chủ, chính phủ cần tạo điều kiện như chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các sinh viên như nhân viên hợp đồng. Tiếp nữa là chính sách cho vay sinh viên ưu đãi, tốt hơn là chi thêm ngân sách cho chính sách này để càng nhiều sinh viên ưu tiên lựa chọn.
Nhà trường có thể kiểm duyệt các trường hợp sinh viên làm thêm, đảm bảo hợp đồng phù hợp với việc học tập và sinh hoạt của sinh viên. Các thầy, cô trong trường có thể hướng dẫn các sinh viên các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp trong một doanh nghiệp như kỷ luật, kỹ năng liên quan...".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.