Trả lời:
Viêm gan là tình trạng tổn thương tế bào gan, đi kèm men gan trong máu tăng cao. Bệnh do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, nhiễm chất độc từ các loại rượu bia, thuốc, hóa chất độc hại, nấm, gan nhiễm mỡ, bệnh di truyền... Tùy từng nguyên nhân mà dấu hiệu viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính khác nhau.
Viêm gan cấp tính là tình trạng viêm gan lan tỏa do một số virus gây ra, phát sinh trong vòng 6 tháng. Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn bởi một trong nhiều thể virus viêm gan, trong đó thường là viêm gan A, B và C.
Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, nhiễm độc do sử dụng thuốc quá liều hay lạm dụng rượu bia, nhiễm hóa chất độc hại, virus, vi khuẩn trong đồ dùng sinh hoạt và thực phẩm hàng ngày cũng dẫn đến viêm gan cấp tính.
Triệu chứng gồm sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, vàng da vàng mắt. Một số triệu chứng khó nhận biết như mệt mỏi, chán ăn, nổi mề đay, người bệnh dễ bỏ qua.
Bệnh nhân viêm gan mạn tính có thể có triệu chứng khởi đầu như viêm gan cấp, song bệnh thường diễn tiến âm thầm khó phát hiện. Biểu hiện thường thấy vẫn là mỏi mệt, cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải, thỉnh thoảng kèm đau cơ, đau khớp hoặc chỉ có cảm giác nhức mỏi chung chung.
Viêm gan mạn tính không được điều trị có thể biến chứng thành xơ gan. Lúc này người bệnh thường bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa (xuất huyết tiêu hóa, báng bụng) và suy tế bào gan nặng nề (chảy máu dưới da, phù, rối loạn tri giác...).
Do triệu chứng của viêm gan lúc đầu thường không rõ, dễ nhầm lẫn, bạn nên đến các đơn vị y tế để được bác sĩ khám và chỉ định những xét nghiệm cần thiết.
Khám kiểm tra thể chất: Bác sĩ khám thể chất, xem xét tiền sử để xác định yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm gan truyền nhiễm hoặc không truyền nhiễm. Kiểm tra các biểu hiện như đau bụng vùng gan, gan có to hoặc mắt có vàng.
Xét nghiệm chức năng gan: Kiểm tra các chỉ số ở gan có bất thường hay không, từ đó bác sĩ chẩn đoán và theo dõi các bệnh. Hầu hết bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan B, C, xơ gan... đều làm chức năng gan suy giảm, tổn thương.
Xét nghiệm máu: Phát hiện nguồn gốc bệnh xảy ra ở gan. Các xét nghiệm này kiểm tra các loại virus gây viêm gan hoặc các kháng thể thường gặp trong các tình trạng như viêm gan tự miễn dịch.
Siêu âm bụng: Xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát được cấu trúc gan, tổn thương gan và các cơ quan lân cận. Siêu âm có thể hỗ trợ cho chẩn đoán giai đoạn bệnh, xác định nguyên nhân của chức năng gan bất thường.
Siêu âm đàn hồi mô gan (siêu âm Fibroscan): Đây là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, độ chính xác cao khi xác định xơ hóa gan, gan nhiễm mỡ, xác định được giai đoạn và mức độ bệnh.
Sinh thiết gan: Thủ thuật này xâm lấn nhằm lấy một mẫu mô từ gan, thực hiện qua da bằng kim mà không cần phẫu thuật. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm đã ảnh hưởng đến gan của người bệnh.
Gan viêm ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của cơ quan này. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan. Để chắc chắn tình trạng bệnh, chị nên đi khám, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết tùy vào tình trạng sức khỏe.
BS.CKI Nguyễn Hữu Trí
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |