Trả lời:
Với chiều cao và cân nặng hiện tại, chỉ số khối cơ thể (BMI) của con là 28,3, thuộc mức béo phì độ một. Tình trạng này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, về lâu dài có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, đái tháo đường.
Con cần giảm cân nhưng ăn kiêng hay áp dụng phương pháp giảm cân của người lớn không phù hợp. Trẻ đang phát triển rất dễ thiếu hụt các chất dinh dưỡng như vitamin, muối khoáng, nhất là chất đạm, canxi, vitamin D. Trẻ bị ép nhịn ăn hoặc tập luyện quá sức gây kiệt sức, giảm khả năng học tập, rối loạn chuyển hóa. Trẻ cũng có xu hướng ăn nhiều hơn vào bữa tiếp theo, dẫn đến tích mỡ nhanh hơn. Vì vậy, trẻ cần ăn đa dạng, đủ chất.
Bạn nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ xác định béo phì do dinh dưỡng hay béo phì do bệnh lý (ít gặp hơn), từ đó có hướng điều trị phù hợp, đảm bảo sự phát triển toàn diện. Bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống khoa học dựa trên độ tuổi của con, gồm cách phối hợp các nhóm thực phẩm, thời điểm ăn uống và chế biến thức ăn. Người bệnh được hướng dẫn thói quen sinh hoạt lành mạnh như ăn chậm nhai kỹ, tăng cường vận động thể chất, hạn chế dùng thiết bị điện tử để tránh ăn vặt vô thức.

Trẻ em nên hạn chế ăn món nhiều dầu mỡ như gà rán. Ảnh: Tuấn Đạt
Quá trình giảm cân của trẻ cần có sự kiên trì và đồng hành của cả gia đình. Phụ huynh nên tạo môi trường ăn uống lành mạnh, khuyến khích con vận động và thường xuyên theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của trẻ cùng các bác sĩ chuyên khoa.
BS.CKII Vũ Thùy Thanh
Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |