Trả lời:
Quan hệ tình dục không an toàn là không sử dụng biện pháp phòng vệ khi phát sinh quan hệ (qua âm đạo, hậu môn, miệng). Bạn có nguy cơ mắc các bệnh như HIV, lậu, giang mai, viêm gan B, virus HPV... Bạn nên chủ động xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục để bảo vệ sức khỏe.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, mốc thời gian cần xét nghiệm sau khi phát sinh quan hệ tình dục như sau:
Bệnh giang mai: Xét nghiệm sau một tháng quan hệ, kiểm tra lại sau ba tháng nếu kết quả lần đầu âm tính.
HIV: Khoảng hai tuần sau quan hệ, xét nghiệm lại sau ba tháng nếu kết quả ban đầu âm tính.
Viêm gan B: Khoảng 3-6 tuần sau khi quan hệ tình dục.
Virus HPV: Khoảng ba tuần đến vài tháng sau khi "yêu".
Lậu và Chlamydia: Xét nghiệm mỗi 3-6 tháng nếu có yếu tố nguy cơ như quan hệ với nhiều bạn tình.
Trong thời gian này, bạn nên hạn chế quan hệ cho đến khi có các kết quả xét nghiệm âm tính. Đồng thời, bạn chủ động khám phụ khoa nếu vùng kín xuất hiện dấu hiệu bất thường như ngứa vùng kín, chảy mủ, tiểu rát, chảy máu âm đạo bất thường, dịch tiết âm đạo có mùi hôi, đau bụng dưới.
Theo khuyến cáo của CDC Mỹ, phụ nữ 13-64 tuổi nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần. Riêng chị em dưới 25 tuổi có hoạt động tình dục nên kiểm tra bệnh lậu và chlamydia hàng năm. Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên có các yếu tố như nhiều bạn tình mới nên xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia hàng năm. Thai phụ xét nghiệm bệnh giang mai, HIV, viêm gan B và viêm gan C ngay từ đầu thai kỳ.
Người có phát sinh quan hệ tình dục với nhiều người cần kiểm tra thường xuyên hơn, ít nhất 3-6 tháng kiểm tra HIV, ít nhất mỗi năm một lần với bệnh viêm gan C.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày có hơn một triệu người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, phần lớn trong số đó không có triệu chứng cảnh báo. Mỗi năm có khoảng 374 triệu ca nhiễm mới.
ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa
Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi sức khỏe sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |