Trả lời:
Virus HPV gây bệnh lý u nhú ở người. Hiện có khoảng 100 loại virus HPV ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Theo các nghiên cứu, có khoảng 90% người trưởng thành có quan hệ tình dục có thể nhiễm virus này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hầu hết virus HPV đều vô hại với người bị nhiễm, không gây triệu chứng và có thể tự khỏi mà không cần điều trị nếu cơ thể có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, vẫn có khoảng hơn 40 chủng virus HPV, gây ra một số bệnh ung thư và bệnh về đường sinh dục tại âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật, bìu, trực tràng và hậu môn...
Trước đây, một nghiên cứu tại Mỹ đã kiểm tra 80 mẫu sữa của những bà mẹ bị nhiễm virus HPV chủng nguy cơ cao. Kết quả, có chủng virus HPV nguy cơ cao đã hiện diện trong hai mẫu sữa (2,5%), nhưng các nhà nghiên cứu không tìm thấy HPV ở những đứa trẻ tiếp xúc với loại sữa này. Năm 2018, tiếp tục có nghiên cứu của Phần Lan theo dõi xét nghiệm tìm virus trong sữa mẹ và niêm mạc miệng trẻ sơ sinh của 35 cặp mẹ con, các bà mẹ đều nhiễm virus HPV. Sự hiện diện của HPV được tìm thấy trong sữa mẹ ở 2,5-28,8% mẫu. Một số nghiên cứu đánh giá kết luận tương tự, dù tìm thấy virus trong sữa, song không có mối liên hệ lây truyền cho trẻ bú mẹ.
Điều này chứng tỏ, virus có thể truyền vào sữa mẹ, nhưng nguy cơ em bé bú mẹ bị lây nhiễm thấp và khó xảy ra. Việc cho trẻ bú mẹ được đánh giá rất an toàn, mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho trẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sản phụ nên cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ sau khi sinh và nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, trẻ ăn bổ sung từ 6 tháng tuổi kết hợp với bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi. Các kháng thể có trong sữa mẹ có thể bảo vệ bé khỏi nhiều bệnh tật. Bên cạnh đó, sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ giúp cơ thể phục hồi nhanh, giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh, giảm cân an toàn một cách tự nhiên. Đồng thời, mẹ có thể giảm nguy cơ mắc ung thư vú, đái tháo đường, mỡ máu cao... Hiện chưa có khuyến cáo nào khuyên mẹ có nhiễm HPV không cho con bú, do khả năng lây truyền là thấp trong thai kỳ và khi cho con bú, đặc biệt là sữa mẹ có yếu tố miễn dịch làm tăng sức đề kháng cho trẻ.
Tuy nhiên, trường hợp bạn phát hiện nhiễm virus HPV khi có thai, khả năng chưa được điều trị nên có thể lây nhiễm cho con trong quá trình chuyển dạ, sinh nở. Sự lây truyền dọc của HPV từ người mẹ có thể xảy ra trước khi sinh qua nhau thai và trong khi sinh thường. Do đó, nữ giới cần chọn bệnh viện chuyên môn cao để có kế hoạch vượt cạn an toàn, được hướng dẫn cụ thể trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, nâng cao an toàn cho bé.
ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa
Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM