Nhiễm khuẩn đường ruột là tình trạng đường tiêu hóa bị viêm do sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn gây hại. Theo ThS.BS.CKI Võ Tuấn Phong, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nguyên nhân có thể do ăn thực phẩm ô nhiễm, tiếp xúc với nguồn lây từ người, đồ vật nhiễm bệnh như dao, kéo, đồ chơi, tã lót...
Triệu chứng bệnh thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với nguồn lây hoặc sau 1-3 ngày. Tùy vào loại vi khuẩn, bệnh mạn tính, triệu chứng nhiễm khuẩn đường ruột có thể gồm đau bụng, tiêu chảy, phân lẫn máu, phân nhầy, nôn ói, đau đầu, đầy hơi, ăn mất ngon, buồn nôn, sốt...
Tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn ở trẻ em và người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu, mất nước nhanh.
Theo bác sĩ Phong, người có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột có thể áp dụng một số cách sau để tăng hiệu quả điều trị.
Bù nước cho cơ thể: Uống nhiều nước để tránh cơ thể mất nước, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nôn mửa, tiêu chảy liên tục. Người bệnh nên tăng cường bổ sung các dung dịch điện giải như oresol để cung cấp đồng thời nước và chất điện giải cần thiết cho cơ thể.
Trà gừng: Có khả năng ức chế sự tiến triển của vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, bao gồm cả nhiễm khuẩn đường ruột. Trà gừng giúp cải thiện đáng kể triệu chứng sưng, đau ở người bệnh.
Trà bạc hà: Có tác dụng giảm viêm, dịu kích ứng ở thành ruột; hấp thụ lượng khí thừa trong ruột, chống co thắt và giảm khó chịu ở bụng. Loại trà này còn góp phần giảm nôn, buồn nôn.
Trà hoa cúc: Giàu hợp chất phenolic như apigenin, quercetin, patuletin, có đặc tính kháng viêm, làm dịu cơn đau bụng do bệnh này gây ra.
Nước chanh: Hỗ trợ giải độc, loại bỏ tạp chất, vi khuẩn, virus, nấm ký sinh trùng ra khỏi đường ruột, góp phần ổn định nhu động ruột, nhờ đó bớt đau bụng, chán ăn và tiêu chảy.
Nghỉ ngơi: Cơ thể thường mệt mỏi, giảm sức đề kháng khi mắc bệnh. Người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe phục hồi tốt.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Người bệnh nên ăn các bữa nhẹ với thực phẩm dễ tiêu hóa như chuối, cơm, cháo...). Ưu tiên thức ăn mềm, lỏng nhưng đa dạng, đầy đủ dưỡng chất.
Uống thuốc kháng sinh: Người bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng cần dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Khi nhiễm khuẩn gây tiêu chảy nặng, đi tiêu trên 5 lần một ngày, sốt trên 38,5 độ C, có dấu hiệu mất nước, hạ huyết áp..., người bệnh nên đi khám sớm để có hướng điều trị, nhất là với người bệnh hơn 70 tuổi, mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch...
Bác sĩ Phong khuyến cáo người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào. Người bệnh nên áp dụng các biện pháp nêu trên để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột. Nếu triệu chứng bệnh diễn tiến nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |