Trả lời:
Ho giúp làm sạch đường thở, tống tác nhân gây kích thích, bít tắc đường thở ra ngoài. Tình trạng này xuất hiện sau khi mắc cảm lạnh, cảm cúm. Nguyên nhân do virus làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, trung bình mất 2-3 tuần để chữa lành hoặc nhiều hơn nếu nhiễm trùng nặng. Ho cũng có thể là dấu hiệu bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi, lao phổi. Điều trị ho kéo dài tùy thuộc vào từng nguyên nhân.
Người bệnh có thể dùng mật ong để giảm ho. Gừng cũng cải thiện triệu chứng ho khan nhờ đặc tính chống viêm. Sử dụng đồ uống nóng như trà thảo mộc, nước lọc ấm, nước ép trái cây ấm giảm đau họng.
Trường hợp ho có đờm, xông mũi họng giúp long đờm. Để thực hiện, bạn chuẩn bị một chậu nước nóng, có thể thêm vài giọt tinh dầu. Sau đó, bạn đặt chậu trước mặt và trùm khăn che kín, hít thở hơi nước nóng trong 10-15 phút. Thực hiện 1-2 lần một ngày để thấy rõ hiệu quả.
Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng xông mũi họng. Hơi nước quá nóng hoặc tinh dầu có thể làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Người hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bị kích ứng đường hô hấp khi xông mũi.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm ho. Tuy nhiên, một số loại thuốc không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ 7-11 tuổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này, tránh tác dụng phụ.
Cơn ho hơn ba tuần, không thể ngừng lại, kèm sốt cao, đau tức ngực, ho ra máu, sưng hạch vùng cổ; khó thở, tức ngực, người bệnh cần khám ngay.
Thạc sĩ, Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây về bệnh hô hấp để được bác sĩ giải đáp thắc mắc.