Chị Phượng, trưởng phòng kinh doanh một công ty, cuối năm phải gồng gánh nhiều trách nhiệm với áp lực doanh số gia tăng, nhiều việc tồn đọng cần giải quyết trước Tết. "Những ngày này tôi thường đi ngủ lúc 2h sáng, hôm sau vẫn phải đi làm đúng giờ, người như trên mây", chị Phượng nói.
Gần đây, chị sốt cao, mệt mỏi do sốt xuất huyết, điều trị ngoại trú và vẫn tiếp tục công việc. 10 ngày sau, chị kiệt sức, mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu, chóng mặt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Hà Nội khám.
Ngày 31/1, ThS.BS Phạm Văn Dương, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chị Phượng mắc hội chứng kiệt sức (burn-out) do áp lực công việc kết hợp sức khỏe giảm do sốt xuất huyết.
Hội chứng kiệt sức mang tính nghề nghiệp, xảy ra do căng thẳng kéo dài không được kiểm soát. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người gặp tình trạng này thường cảm thấy cạn kiệt như mất hết năng lượng, công việc quá tải nhưng thường không nhận ra.
Sau một tuần điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý, chế độ dinh dưỡng, tình trạng của chị Phượng cải thiện.
Bác sĩ Dương khuyến nghị nên quan tâm sức khỏe tinh thần, nhất là dịp cuối năm. Tình trạng cạn kiệt về mặt cảm xúc, thể chất, tinh thần, cảm giác trống rỗng xâm chiếm tâm trí, ngập trong công việc, giảm động lực cảnh báo bệnh tâm thần.
Hội chứng kiệt sức có thể giảm nếu được phát hiện và điều trị phù hợp. Các biện pháp giúp cải thiện tình trạng này như dành nhiều thời gian tập thể dục, nghỉ ngơi, ngủ điều độ, quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất hơn, tham gia hoạt động yêu thích, kết nối các mối quan hệ tích cực.
Bác sĩ Dương cho biết hiện chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ người Việt mắc hội chứng kiệt sức trong công việc. Khảo sát của Hiệp hội tâm thần Mỹ (APA) năm 2021, trên 1.500 nhân viên ở nước này, cho thấy cứ 5 người có ba trường hợp căng thẳng do công việc như mất hứng thú, thiếu động lực, giảm năng lượng...
Thanh Ba
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |