Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào khớp và các mô khác. Tình trạng này làm cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau, viêm bao hoạt dịch, sốt, mệt mỏi... Theo thời gian, xương bị bào mòn dần, gây biến dạng khớp, dẫn đến tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác, như mắt, tim, phổi, da, mạch máu... Bệnh lý này thường bắt đầu ở các khớp nhỏ, tác động đến các khớp đối xứng trong cơ thể, như ngón tay, ngón chân, hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hoài Thanh, Khoa Cơ xương khớp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, dù mất nước chưa được chứng minh là nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể đã cho thấy hiệu quả tích cực trong kiểm soát các triệu chứng của bệnh lý này.
Khoảng 65-80% thành phần của sụn là nước nên khi hấp thu đủ nước, sụn trở nên dẻo dai hơn, làm giảm ma sát giữa các đầu xương, giúp cho việc di chuyển diễn ra trơn tru hơn. Uống đủ nước cũng giúp duy trì lượng hoạt dịch ổn định, bôi trơn hệ thống xương khớp và nuôi dưỡng sụn. Ngoài ra, khi bổ sung đủ nước, quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể diễn ra thuận lợi hơn, từ đó giảm viêm, giảm sưng. Uống nước còn góp phần điều chỉnh mức năng lượng và nhiệt độ cơ thể, làm giảm nguy cơ xảy ra mệt mỏi và sốt do viêm khớp dạng thấp. Nước còn có tác dụng giảm viêm và chống oxy hóa nhờ trong thành phần có chứa hydro.
Theo bác sĩ Hoài Thanh, không chỉ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, nước còn tạo điều kiện cho các hoạt động sống trong cơ thể diễn ra thuận lợi hơn. Cụ thể, nước giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bài tiết chất thải, cải thiện lưu thông máu, ngăn ngừa oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, cải thiện tâm trạng, làm đẹp da, ngăn ngừa các bệnh lý như táo bón, tăng huyết áp... Do đó, khi không được cung cấp đủ nước để hoạt động, hàng loạt cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, gây ra các tình trạng như cứng khớp, mệt mỏi, chậm chạp, nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, chuột rút, khô da, khô miệng, ngất xỉu...
Để bảo vệ sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe cơ xương khớp nói riêng, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ khuyến cáo, mỗi ngày, nam giới nên tiêu thụ 3,7 lít nước, con số này ở phụ nữ là 2,7 lít. Tổng lượng nước tiêu thụ mỗi ngày bao gồm cả nước uống và chất lỏng trong thực phẩm.
Bác sĩ Hoài Thanh chia sẻ một số phương pháp giúp duy trì lượng nước mỗi ngày như uống nước thường xuyên đặc biệt là khi chơi thể thao, sau đi vệ sinh và trước bữa ăn, không để đến khi có cảm giác khát mới uống. Sử dụng các dụng cụ đựng nước có ghi chú dung tích rõ ràng để theo dõi lượng nước uống mỗi ngày.
Tránh các loại thức uống khử nước như đồ uống có cồn hoặc cafein. Nhóm thức uống này gây tăng cường thải nước ra khỏi cơ thể và gây mất nước. Tăng cường các loại thực phẩm hỗ trợ quá trình hydrat hóa như trái cây, rau và súp... có hàm lượng nước cao.
Tuy nhiên, uống nước quá mức cần thiết có thể gây hạ natri máu, dẫn đến mệt mỏi, buồn nôn... và thậm chí là hôn mê. Bác sĩ Hoài Thanh khuyến cáo, lượng nước tiêu thụ ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, mức độ vận động và tình trạng sức khỏe hoặc dùng thuốc. Ngoài ra, lưu ý rằng, để đạt hiệu quả điều trị viêm khớp dạng thấp tốt nhất, uống đủ nước cần phải được thực hiện đồng thời với việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về dùng thuốc, lối sống...
Phi Hồng