Thực trạng tắc đường xảy ra tại Hà Nội và TP HCM nhiều năm nhưng đến nay chưa có giải pháp hiệu quả. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc Hội sáng 8/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM không thể hết ùn tắc khi vùng lõi vẫn mọc lên chung cư cao tầng, khu đô thị.
Có quan điểm khác về nguyên nhân tắc đường tại các đô thị lớn, độc giả Trieu Tran phản biện: "Nói nạn kẹt xe do chung cư ở trung tâm gây ra là không đúng vì cho dù có chuyển các tòa chung cư ra vùng rìa thành phố thì người dân vẫn sáng sáng 'xông hơi tắm nắng' đổ vào trung tâm để làm việc, chiều chiều lại 'lội nước' ra về.
Có hai nguyên nhân cốt lõi dẫn tới tình trạng kẹt xe: Thứ nhất là hạ tầng giao thông còn kém, quy hoạch diện tích đất dành cho giao thông quá ít. Thứ hai là hệ thống giao thông công cộng quá ít ỏi và yếu kém. Khoan vội nghĩ về giải pháp mà hãy nghĩ về một lối thoát làm tiền đề cho các giải pháp đi theo sau, đó là: thay đổi tư duy thích ở nhà phố hơn ở chung cư vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Hiện nay, Hà Nội, TP HCM vẫn còn nhan nhản các khu nhà thấp tầng cấp ba, cấp bốn, chen chúc nhau ở khắp các quận, huyện. Ngay cả các quận trung tâm như Quận 1, 3, 5, 10, 11 cũng vẫn còn rất nhiều khu 'ổ chuột' với các hẻm nhỏ chi chít.
Câu hỏi đặt ra là với diện tích đất đó, nếu được thay thế bằng các chung cư cao tầng và hạ tầng giao thông thì sẽ khác biệt ra sao? Có lẽ không cần phải nói nhiều, ai cũng có thể hiểu được. Nếu có dư địa để thiết lập hạ tầng giao thông toàn vẹn thì dĩ nhiên vấn đề phát triển hệ thống giao thông công cộng không còn là vấn đề nan giải nữa. Và khi hệ thống giao thông công cộng được phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều sự tiện lợi cho người dân thì dĩ nhiên họ sẽ không ngại ở xa trung tâm một chút hay mua hẳn một căn nhà vườn ở vùng ngoại ô mà không cần lo nghĩ đến việc phải vào trung tâm đi làm mỗi ngày ra sao nữa".
>> Tranh cãi chung cư gây tắc đường
Đồng quan điểm, bạn đọc Quang Tran phân tích: "Nhà cao tầng như chung cư chỉ là một trong những nguyên nhân nhỏ gây tắc đường mà thôi. Vấn đề lớn nhất ở đây vẫn là người dân sở hữu phương tiện cá nhân quá nhiều. Ví dụ như một căn hộ chung cư nhưng có khi người ở lại dùng những 2-3 xe máy. Trong khi đó, hệ thống giao thông ở thành phố lớn vẫn lạc hậu, chưa phù hợp với sự phát triển của dân cư.
Nhìn sang New York để so sánh, tuy nhà chọc trời của họ rất nhiều, nhưng chỉ có chưa đến một nửa số hộ trong thành phố sở hữu xe riêng. Trong khu vực Manhattan, tỷ lệ này còn thấp hơn - chỉ khoảng 25% số hộ có xe riêng. 54,6% người dân đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng. Còn ở ta, có khi đến cái vỉa hè còn không có thì làm sao người dân muốn đi bộ và dùng phương tiện công cộng được? Cứ bảo người Việt lười đi bộ, nhưng tình hình thực tế là đi bộ ở ta rất bất tiện".
"Không thể đổ thừa nhà cao tầng làm kẹt xe. Sao không nhìn theo hướng nhà ở bên ngoài thành phố, nhưng văn phòng ở trung tâm thì người dân vẫn phải đổ vào trung tâm để đi làm, cuối cùng cũng vẫn làm kẹt xe. Nếu nhà cao tầng ở trung tâm nhiều, văn phòng cũng ở trung tâm, có khi người ta sẽ đi bộ đi làm. Giải pháp ở đây là làm sao để cân đối nhà ở và văn phòng làm việc sao cho phù hợp, các dịch vụ thiết yếu phục vụ có bán kính hợp lý. Khi đó, chúng ta sẽ giảm thiểu việc phải di chuyển xa, hạn chế được xe cộ lưu thông trên đường, giảm tình trạng kẹt xe", độc giả Lam Richard nói thêm.
>> 'Bốn việc cần làm ngay để Hà Nội, TP HCM hết kẹt xe'
Ủng hộ giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng thay vì di dời hết chung cư, nhà cao tầng ra khỏi trung tâm đô thị, bạn đọc Bep Binh Dan chia sẻ: "Trung tâm đô thị phải là địa điểm tập trung của trường học, văn phòng, khu mua sắm, khu vui chơi giải trí, dân cư. Đông đúc, nhộn nhịp là đặc trưng và là sự hấp dẫn của nó. Vấn đề chính của hai thành phố này là hệ thống giao thông công cộng rất yếu và phát triển rất chậm, đường sắt xây mãi không xong, xe buýt bao nhiêu năm không đột phá, BRT dừng dở dang...
Nhìn sang Seoul, Tokyo, các thành phố của Trung Quốc, nhà cao tầng của họ nhiều như cây trong rừng, mà giao thông công cộng vẫn tốt nên dù dân số đông gấp đôi trung tâm Hà Nội vãn không lo tắc đường. Hệ thống giao thông công cộng của họ vẫn có khả năng phục vụ nhu cầu của người dân và liên tục phát triển thêm tuyến mới.
Cứ sợ đông đúc, nhộn nhịp mà di dời hết ra ngoại thành không phải là giải pháp bền vững. Xu hướng chung hiện nay là dùng tốt và hiệu quả các vùng hiện có, hạn chế phát triển vùng mới để bảo tồn không gian xanh, không gian tự nhiên. Hà Nội và TP HCM chưa tái cấu trúc, tái phát triển mà chỉ tính phương án sử dụng thêm các vùng đất hiện có thì không phải là giải pháp tốt".
Nhấn mạnh giảm số lượng nhà cao tầng trong nội đô không phải giải pháp khả thi để giảm ùn tắc giao thông, độc giả Long Nguyen bình luận: "Tắc đường nằm ở trình độ, tư duy và cách thức triển khai quy hoạch, quản lý vận hành xã hội, chứ không nằm ở mấy tòa nhà cao tầng. Mọc lên tòa nhà cao tầng, nhưng thay thế cho nhiều tòa nhà thấp tầng (không tăng dân số khu vực đó), thì dĩ nhiên sẽ thừa rất nhiều mặt bằng để phát triển hạ tầng giao thông và có quỹ đất để tái định cư cho các khu vực lân cận khi cần mở rộng các tuyến đường. Khi đó sẽ giảm ùn tắc chứ không tăng ùn tắc.
Hà Nội và TP HCM hiện nay, các cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất nhiều mặt bằng. Nếu triển khai nhà cao tầng ở các cơ sở đó, phần mặt bằng thừa ra dùng để phát triển hạ tầng giao thông, thì sao có thể nói gây ùn tắc giao thông? Tại từng tiểu khu vực, nếu phát triển đầy đủ hệ thống trường học, siêu thị, dịch vụ thương mại, văn phòng, văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe... đảm bảo yêu cầu, thì người dân sẽ ít phải đi ra bên ngoài, giảm ùn tắc".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.