Nhiều người bàn chuyện "Cấm xe máy để trả lại vỉa hè cho người đi bộ", nhưng điều quan trọng là cấm xe máy thì phần lớn người dân đi lại bằng phương tiện gì? Chuyển sang mua ôtô để đi? Tiền đâu mà mua? Chỉ cần phân nửa số người đi xe máy mua và sử dụng ôtô thì sẽ là thảm họa cho giao thông đô thị.
Còn muốn người dân chuyển sang đi xe buýt thế nào khi không thể đáp ứng cho phần lớn nhu cầu của người dân. Giả thiết, nếu chỉ giải quyết được một phần ba số người đang đi xe máy chuyển đổi sang phương tiện công cộng thì xem như kém hiệu quả. Nên nhớ, số người chọn đi xe buýt đã và đang đi xe buýt rồi, không cần phải hô hào, bởi người dân đã biết chọn phương tiện đi lại có lợi cho mình nhất.
Trong khi muốn người dân chuyển sang đi bộ sẽ là chuyện không tưởng. Cứ nhìn vào thói quen đi lại trong gia đình mình, hàng xóm, láng giềng của bạn sẽ biết ngay. Còn vỉa hè là câu chuyện khác, vì có nhiều khu vực không có hàng quán buôn bán hoặc nếu có cũng chỉ lèo tèo, nhưng nơi ấy cũng đâu còn vỉa hè mà đổ lỗi cho xe máy?
>> 'Không thể chờ tài xế xe máy thay đổi ý thức giao thông'
Cuối cùng, những ý kiến cấm xe máy đã có rất nhiều người nói rồi, thậm chí nói rất hay, nhưng tất cả đều xa rời thực tế. Đơn giản, chẳng khác nào "chưa xây cầu đã đòi bỏ phà". Cấm xe máy nhưng không có giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh hiện tại; không đưa được ra kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cụ thể như thế nào để chuyển đổi phương tiện xe máy hoặc xe cá nhân sang phương tiện công cộng một cách hiệu quả thì sẽ là một sai lầm. Còn không đầu tư và xây dựng gì cả mà mong sớm mai thức giấc sẽ dẹp được xe máy là mơ mộng hão huyền.
Lấy một ví dụ cho các bạn dễ hình dung, ở Việt Nam có rất nhiều con đường chỉ dài khoảng 20km được xây dựng trong 5 năm, thậm chí đến 10 năm nhưng chưa xong. Cho nên, nói cấm xe máy ngay lập tức chỉ là nói suông. Chúng ta phải vạch ra cụ thể kế hoạch và triển khai xây dựng cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, ưu tiên loại hình phương tiện giao thông công cộng, thì lúc đấy muốn hạn chế hoặc cấm xe máy, xe cá nhân khác như thế nào mới được. Đó mới là cách làm phù hợp theo hiện trạng giao thông đặc thù ở đô thị hiện nay.
Chứ từ trước đến giờ, tôi chỉ toàn thấy chúng ta "bàn ngược" , trong khi cơ sở hạ tầng giao thông vẫn vậy thì 100 năm nữa có khi cũng không thay đổi gì. Do đó, "bàn tới, bàn lui nhưng phải làm xuôi" đừng bàn ngược và làm ngược sẽ chẳng đi đến đâu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.