Ùn tắc giao thông ở ta chủ yếu do mật độ dân số quá dày đặc và thiết kế đô thị chưa hợp lý gây ra, còn các yếu tố khác theo tôi chỉ là phụ. Ví dụ, cứ ra đường Hà Nội vào nửa đêm, chắc chắn không bao giờ tắc đường; các địa phương ít dân cũng không có cảnh tắc đường... Hiện nay, các giải pháp giao thông được đưa ra mới chỉ làm nhẹ bớt tình trạng ùn tắc, và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Còn vấn đề cốt lõi phải là thiết kế đô thị một cách khoa học, cụ thể như sau:
Thứ nhất, lùi giờ làm việc của các cơ quan, công sở nhà nước thành 10h , lệch hẳn với khối kinh doanh tư nhân, để giãn số người ra đường cùng một thời điểm. Như vậy, sẽ góp phần giảm bớt ùn tắc. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được ngay, và hiệu quả sẽ có chỉ trong vòng bảy ngày.
Thứ hai, giải quyết nhu cầu đi lại của học sinh. Hà Nội và TP HCM hiện có hàng triệu học sinh được bố mẹ đưa đi, đón về mỗi ngày. Đây là một con số khủng khiếp, gây sức ép rất lớn cho giao thông. Thực ra nhu cầu đưa đón đi học của phụ huynh xuất phát từ tâm lý lo lắng cho an toàn của con mình, dù trường không xa lắm.
Giải pháp ở đây là tận dụng chính hệ thống xe buýt đang chạy để mở những tuyến chuyên chở học sinh trong hai khung giờ nhất định mỗi ngày: 6-7h và 16h-17h30 (đón tại các bến xe buýt hiện tại, thêm điểm đỗ là tại cổng trường). Tất nhiên, để thực hiện giải pháp, cần sự phối hợp liên ngành: GTVT, Giáo dục, Công an, Giao thông công chính... Quan trọng là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.
>> Dẹp tắc đường bằng tàu điện ngầm
Thứ ba, hiểu đúng và ưu tiên đúng hệ thống giao thông công cộng. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu thế nào là giao thông công cộng? Hiện nay, hầu hết chúng ta đang hiểu sai và chưa đầy đủ về hệ thống này. Chúng ta quá ưu ái giao thông cộng cộng được trợ giá bằng tiền thuế của dân (như xe buýt, tàu điện) mà bỏ quên xương sống, trụ cột của giao thông công cộng trả phí là taxi, xe ôm (bao gồm cả xe truyền thống và xe công nghệ).
Ví dụ đơn giản, một xe ôm trung bình chở 20-30 khách hoặc chuyến hàng, Hà Nội có hàng vạn xe ôm như vậy. Mỗi ngày riêng xe ôm Hà Nội chuyên chở khoảng hơn 250 ngàn chuyến. Taxi còn chở nhiều hơn thế. So sánh với ngày đông khách kỷ lục của tàu điện trên cao là 50.000 khách, có thể thấy xe ôm, taxi đang gánh hoàn toàn giao thông công cộng ở Hà Nội, TP HCM.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tuyến phố đang áp dụng quy định cấm đường, hạn chế hoạt động của những phương tiện này, trong khi đúng ra chúng ta cần cấm đường với xe cá nhân để ưu tiên xe công cộng (bao gồm cả taxi, xe ôm) trong một vài khung giờ cao điểm mới đúng. Do đó, chúng ta cần phải định nghĩa lại phương tiện giao thông công cộng, từ đó có cách quản lý khoa học, phù hợp hơn.
Thứ tư, phân làn giao thông hiện nay chưa thật phù hợp với điều kiện ở Hà Nội, TP HCM. Cụ thể, việc để ôtô chạy làn trái khiến mỗi lần phương tiện này chuyển làn để vào nhà bên đường, văn phòng, đỗ xe... sẽ trở thành một cực hình cho cả lái xe lẫn người đi đường. Do vậy, cần bố trí, sắp xếp lại việc phân làn đường để hạn chế xung đột giữa các phương tiện khác nhau.
Hy vọng những giải pháp trên đây sẽ sớm được quan tâm, nghiên cứu và cân nhắc áp dụng để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ngày một nhức nhối ở Hà Nội và TP HCM.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.