Tình hình tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội và TP HCM được dự báo trầm trọng hơn trong nhiều năm tới. Câu hỏi được đặt ra là giải pháp nào có thể xử lý triệt để được những tồn tại trong giao thông Việt? Phương tiện công cộng có thể là câu trả lời cho bài toán của giao thông tại nước ta. Nhưng vấn đề là nước ta còn khó khăn, nên không thể so sánh với các nước phát triển trên thế giới, cũng không thể áp dụng rập khuôn những giải pháp của họ.
Phương tiện công cộng của nước ngoài như thế nào? Xin thưa là rất thuận tiện. Cụ thể là bên Singapore, người dân của họ mua thẻ tháng để đi tàu điện ngầm và xe buýt (thẻ từ như thẻ gửi xe của chung cư). Tôi từng đi Singapore, thấy rằng hệ thống tàu điện ngầm của họ chạy ngầm dưới lòng đất tới ba, bốn tầng, có chuyến liên tục. Thế nên, bạn không phải đợi quá lâu để đi tàu, tầm hai, ba phút là lại có một chuyện mới. Ngồi trên tàu, hành khách luôn thấy thơm phức và mát lạnh, thậm chí nếu di chuyển xa, bạn còn phải mặc thêm áo ấm...
Còn hệ thống xe buýt ở đây cũng khỏi chê, xe rất mới và siêu sạch sẽ, thơm tho. Máy lạnh trên xe còn mát hơn cả trên tàu điện ngầm. Ngay cả khi xe đông người (không còn một chỗ ngồi và chỗ đứng) tôi cũng cũng không thấy nóng nực, bí bách (xe được bảo dưỡng liên tục). Cảm giác đi xe buýt tại đây rất thoải mái nên tôi không hề bị say xe. Phương tiện công cộng tại Singapore tốt như vậy, nên có cho đi xe cá nhân tôi cũng không đi. Đó là lý do tại sao người dân của họ tự động bỏ xe cá nhân để dùng phương tiện công cộng.
Có thể nói, hệ thống giao thông công cộng ở nhiều nơi trên thế giới đã phát triển vượt bậc. Tàu điện, tàu siêu tốc các nước đã có từ cả mấy chục năm rồi. Còn ở Việt Nam, chúng ta mới có một tuyến tàu điện trên cao ở Hà Nội được một năm; tàu điện ngầm chưa có; còn xe buýt bao năm qua vẫn đủ thứ mùi (mùi dầu của xe xộc lên rất khó chịu), cảm giác nóng nực mỗi khi đông người (tôi đi có một đoạn là say xe, buồn nôn không chịu được). Chưa kể, nếu ai đang gấp mà phải chờ chuyến thì đúng là cực hình vì thời gian đợi rất lâu... Hệ thống phương tiện công cộng của chúng ta chưa tốt như vậy, thì thử hỏi làm sao người dân từ bỏ phương tiện cá nhân được?
>> 'Chưa xây cầu đã đòi bỏ phà'
Nếu phương tiện công cộng của chúng ta đủ tốt (tiện lợi, nhanh chóng, cảm giác đi thoải mái) giống như bên Singapore thì tôi tin người Việt sẽ chẳng có lý do gì để bám lấy phương tiện cá nhân. Lẽ thường, cái gì tốt thì người ta tự khắc sẽ chọn mà chẳng cần cấm đoán, ép buộc.
Tất nhiên, ý thức tham gia giao thông của người dân cũng là một yếu tố để người ta gắn bó, có thiện cảm với giao thông công cộng. Ở Singapore, tôi rất ấn tượng với văn hóa nhường nhịn khi đi đường. Tôi đi bộ, muốn băng qua đường ở những nơi không có đèn giao thông (mặc dù chỉ có một mình) nhưng lập tức có hai, ba chiếc xe hơi tự động dừng lại và nhường cho tôi qua trước. Nhiều lần như vậy nên tôi cảm giác mình rất đặc biệt khi đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng. Người ta cũng rất chú trọng đến việc quy hoạch hạ tầng đường xá, trồng cây xanh, phân chia các khu mua sắm - nhà riêng để đảm bảo điều kiện thuận tiện nhất cho người đi bộ.
Vậy, nếu Việt Nam cũng muốn được như vậy, chúng ta phải làm gì? Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất là ưu tiên phát triển tàu điện ngầm và đa dạng hóa các phương tiện công cộng hiện đại. Mục tiêu cao nhất là giúp người sử dụng giảm tối đa thời gian di chuyển, và không bị kẹt xe. Nếu chỉ đầu tư vào mỗi xe buýt, thì sẽ chỉ thêm tắc đường, trễ chuyến. Lý do chính khiến người Việt hiện không chuộng phương tiện công cộng là vì thời gian di chuyển quá lâu cho một quãng đường ngắn (thua xa xe cá nhân).
Tôi cho rằng, chúng ta cần đầu tư phát triển tàu điện ngầm cho thật tốt (vì lên tàu mát mẻ lại di chuyển nhanh gấp đôi xe máy, tránh mưa, tránh nắng...). Phương tiện công cộng tốt như vậy "có 'khùng' mới đi xe cá nhân". Khi xe cá nhân không còn được ưa dùng, tự nhiên đường sẽ thông thoáng. Lúc đó, chúng ta mới phát triển hệ thống xe buýt cho những chặng ngắn để phục vụ người đi tàu điện. Mặt khác, chúng ta có thể xây dựng một tuyến đường riêng dành cho xe buýt để khắc phục tình trạng di chuyển chậm và trễ chuyến. Làm được như vậy, tôi tin vấn nạn tắc đường sẽ được giải quyết.
Khanh Christian
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.