Tại sao đường phố ở Việt Nam, dù nắng hay mưa cũng ùn tắc? Theo tôi, có một số lý do chính như sau:
1. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, quy hoạch giao thông còn thiếu hợp lý, đường có bề rộng quá nhỏ, lại có quá nhiều điểm giao cắt, gây xung khắc giữa các luồng phương tiện.
2. Có quá nhiều xe máy. Xe máy là phương tiện nhỏ, dễ luồn lách, dần tạo thành thói quen "tranh thủ" cho người dân. Từ đó, ý thức nhường đường dần ít đi, người dân thường xuyên chen lấn, vượt ẩu, lấn làn vô tội vạ, cốt cho được việc của mình, gây nên tắc đường. Quy hoạch giao thông cho cả xe máy và ôtô một lúc là điều vô cùng khó khăn vì có vô số điểm xung khắc khi di chuyển.
3. Đèn giao thông thiếu thống nhất và chưa khoa học, phân làn giao thông rất tệ. Đến nay, chúng ta vẫn dùng bộ đếm số giây trong khi nhiều nước đã bỏ từ lâu. Việc sử dụng bộ đếm giây khiến tâm lý đi trước vài giây thường xuyên xảy ra, gây khó chịu cho nhiều người tuân thủ luật.
Thêm vào đó, rất ít nơi có đèn đỏ báo rẽ trái riêng biệt, mà chỉ có đèn xanh chung cho cả hai phía ngược chiều nhau. Điều này tiếp tục gây xung đột giao thông khi có hai xe đi ngược chiều nhau và muốn rẽ trái khi đó xe ngược chiều phải giảm tốc độ để né). Trong khi ở Australia hay Mỹ luôn có đèn phân định rõ ràng.
4. Dùng vòng xuyến (hay bùng binh) ở nơi có mật độ giao thông cao cũng là một sai lầm nặng nề. Bùng binh chỉ nên dùng ở nơi có ít giao cắt, và mật độ giao thông thấp như trong khu ở, công viên... Còn ở các ngã năm, ngã bảy, cả ngàn lượt xe qua lại mỗi phút như ở Sài Gòn và Hà Nội, khi mà mỗi lần vào vòng xoay, bạn mới thấy bất tiện của chúng khi phải căng mắt ra mà lách từng mét. Ở các giao lộ lớn, đèn giao thông mới là giải pháp ưu việt.
5. Cuối cùng là ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn rất kém. Nhiều người đi ôtô nhưng cũng bon chen, lấn làn, xuất phát từ thói quen đi xe máy trước đó.
>> Đổ lỗi xe máy là nguyên nhân gây tắc đường
Do đó, muốn cải thiện tình trạng giao thông ở Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta phải tiến hành các việc sau:
1. Cải thiện cở sở hạ tầng - điều này khó nhất, lâu nhất nhưng là biện pháp tốt nhất.
2. Tiến hành phân làn một cách thực sự khoa học, chi tiết, đi kèm cải thiện tín hiệu đèn giao thông (thêm vào tín hiệu chỉ rẽ trái khi đèn xanh cho các điểm có mật độ giao thông cao). Việc này cũng tốn nhiều công sức nhưng tính khả dĩ cao.
3. Tiến hành tháo gỡ các vòng xuyến ở nơi có mật độ giao thông dày đặc và thay bằng đèn tín hiệu. Chỉ xây bùng bình ở những nơi có mật độ phương tiện thấp.
4. Tính toán phân bố các địa điểm đậu xe một cách hợp lý, không cho phép đậu xe ở đường có lưu lượng giao thông lớn. Xây thêm các bãi đỗ xe ngoài trời, cho tư nhân vào kinh doanh (cần có kế hoạch cụ thể).
5. Xây dựng một chương trình giáo dục ý thức giao thông, văn hóa lái xe và chiếu trên chương trình truyền hình một cách rộng rãi và liên tục trong các khung giờ vàng. Hướng dẫn các cách lái xe văn minh và đúng luật, cho cả ôtô lẫn xe máy.
Làm được vậy, tôi tin tình trạng ùn tắc sẽ dần dần được cải thiện, giao thông tại Việt Nam sẽ tốt lên từng ngày.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net