Ngày 22/2, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, êkip bác sĩ vừa phẫu thuật thành công ca u não lan tỏa cho ông Trần Ngọc Phụ. Khối u lan tỏa gần hết thùy thái dương, xâm lấn đến hồi hải mã, làm tăng áp lực nội sọ, đẩy lệch cấu trúc khiến cuộc phẫu thuật gặp nhiều thử thách.
Vào khoảng giữa tháng 2, người bệnh đến bệnh viện khám. Trước đó, người bệnh từng điều trị động kinh trong 2 tháng nhưng không khỏi. Bác sĩ cho bệnh nhân kiểm tra cận lâm sàng, chụp sọ não để xác định u não hay viêm não. Kết quả cho thấy u não thùy thái dương, dạng u sao bào, chèn ép các dây thần kinh, gây nên các cơn động kinh ngày càng tăng dần và nặng hơn.
![Bác sĩ Chu Tấn Sĩ xem hình chụp khối u trong não của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/02/22/021-1670-1677028196.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S2WT2bvMc0htWIrBuM37Mw)
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ xem hình chụp khối u trong não của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Do khối u lan tỏa sâu ở nhiều nơi trong não, êkip bác sĩ phải thực hiện mổ mô phỏng trước trên máy tính nhằm tăng hiệu quả, an toàn. Bác sĩ chụp các bó sợi thần kinh (DTI) và cộng hưởng từ (MRI) chức năng; sau đó dùng phần mềm định vị chuyên dụng, dẫn đường vào tiếp cận khối u để tránh phạm phải các bó sợi thần kinh. Nếu làm tổn thương các dây thần kinh thì người bệnh có nguy cơ cao gặp biến chứng ở các chức năng liên quan như vận động, thị giác...
Bác sĩ Phan Vân Đình, thành viên êkip mổ, cho biết thêm, khối u xuất phát từ tế bào thần kinh đệm trong não nên không nằm thành một khối mà lan tỏa. Bên cạnh khối u còn nhiều cấu trúc quan trọng như thân não, động mạch thân nền, động mạch não sau, vùng hạ đồi, xuyên lên động mạch não giữa...
"Theo hướng dẫn của phần mềm định vị Navigation, chúng tôi tỉ mẩn, tìm gắp từng vụn khối u ở khắp nơi. Cuộc mổ kéo dài gần 3 giờ, lấy được tối đa khối u, bảo tồn được các chức năng và giải quyết hoặc làm giảm tần số động kinh, giảm liều lượng thuốc điều trị cho người bệnh", bác sĩ Vân Đình cho biết.
Hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh táo, hoạt động bình thường, không yếu liệt, đau đầu rất ít, mắt nhìn rõ... Trên lâm sàng, bác sĩ đánh giá đã lấy được 80-90% khối u. Tuy nhiên khối u này lan tỏa rất nhiều nơi như thái dương phía trước, thùy đảo, nếu lấy ở vùng này rất dễ gây tổn thương chức năng. Bệnh nhân được hẹn 3 tuần sau chụp MRI lại để đánh giá khối u đã được loại bỏ hết chưa.
![Các bác sĩ phẫu thuật khối u não cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/02/22/051-4725-1677028196.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hg9Vc_bjbTaRpfWPL4O7EQ)
Các bác sĩ phẫu thuật khối u não cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, động kinh thùy thái dương là dạng động kinh cục bộ, chiếm 60% các trường hợp. Nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ghi nhớ, tư duy và cảm xúc, tâm lý. Bệnh nhân có thể đối mặt với suy giảm nhận thức, trí nhớ và rối loạn tâm thần kinh gồm trầm cảm, lo âu, tự tử.
Động kinh thùy thái dương gồm động kinh thái dương trong và vỏ não thái dương. Tình trạng xơ hóa vùng hải mã và loạn sản vỏ não khu trú trong bệnh cảnh động kinh rất hay kháng thuốc, cần điều trị bằng phẫu thuật. Ngoài ra, những tổn thương tân sinh hay dị dạng mạch máu não gây động kinh là những thương tổn không thể giải quyết bằng điều trị nội khoa. Phẫu thuật động kinh là phương pháp điều trị thay thế cho những bệnh nhân động kinh thùy thái dương kháng thuốc.
Mục đích chính của phẫu thuật động kinh là kiểm soát hoàn toàn hoặc giảm tần suất và mức độ trầm trọng của bệnh, mà không gây ra thương tật và tử vong đáng kể. Mục tiêu thứ hai là giảm số lượng thuốc chống động kinh, giảm tác dụng phụ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Tâm An