Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chẩn đoán chị Hương bị trĩ tắc mạch (trĩ huyết khối). Tình trạng này xảy ra khi một cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ. Cục máu đông chặn dòng chảy của máu, gây viêm, đau, chảy máu.
Chị Hương bị đau rát hậu môn trong những tháng cuối thai kỳ và nặng hơn sau sinh thường. Tuy nhiên chị sợ uống thuốc sẽ làm mất sữa cho con bú nên không điều trị. Lần này, bác sĩ khuyên bệnh nhân điều trị ngay để ngăn biến chứng hoại tử, nhiễm trùng hậu môn, nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Ê kíp phẫu thuật cắt trĩ tắc mạch, phối hợp tiêm xơ trĩ nội soi cho bệnh nhân. Ưu điểm của phương pháp này là tiêm một lần, ít đau, chỉ dùng một liều kháng sinh khi mổ. Chị Hương hết đau sau 30 phút mổ, triệu chứng cải thiện, xuất viện sau một ngày và cho con bú bình thường.
Theo bác sĩ Hậu, nguyên nhân gây trĩ tắc mạch gồm táo bón, tiêu chảy thường xuyên, ngồi nhiều, ít vận động, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai do áp lực của thai nhi xuống hậu môn trực tràng chèn ép các tĩnh mạch... Áp lực rặn khi sinh thường cũng làm tăng nguy cơ trĩ tắc mạch.
Bệnh nhẹ được điều trị bằng thuốc như chống viêm, giảm đau, kháng sinh, chống phù, chống táo bón. Trường hợp búi trĩ to, đau nặng cần điều trị ngoại khoa, thông thường là cắt toàn bộ búi trĩ và sử dụng thuốc kháng sinh 1-2 tuần.
Bác sĩ Hậu cho biết phương pháp tiêm xơ trĩ nội soi kết hợp cắt phần trĩ tắc mạch có hiệu quả cao, ít đau, tiết kiệm chi phí. Qua ống nội soi, bác sĩ có thể quan sát rõ gốc búi trĩ, niêm mạc trực tràng, đường đỉnh búi trĩ và đáy búi trĩ, hạn chế tiêm nhầm vị trí. Kỹ thuật này giúp khắc phục nhược điểm của phương pháp cũ là bác sĩ dùng tay để mở rộng hậu môn, gây đau và khó tiếp cận búi trĩ nội nằm sâu trong ống hậu môn. Thuốc tiêm xơ là loại thuốc tan trong nước cho phép chỉ cần tiêm một lần cho tất cả các búi trĩ.
Chất xơ được tiêm vào búi trĩ giúp cố định dây chằng treo trĩ vào cơ vòng trực tràng, cố định niêm mạc trực tràng sa, triệt mạch máu nuôi trĩ và làm teo búi trĩ ngay sau tiêm. Theo bác sĩ Hậu, đây là kỹ thuật mới, được ứng dụng phổ biến ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Với phương pháp cắt trĩ cũ, người mẹ phải dùng kháng sinh một tuần, trẻ ngưng bú trong thời gian đó. Trong khi phương pháp mới, mẹ chỉ dùng duy nhất một liều kháng sinh lúc mổ, bé chỉ cần ngưng bú một ngày.
Để phòng ngừa bệnh trĩ, chế độ ăn cần tăng cường chất xơ, bổ sung collagen từ thực phẩm như cá hồi, cá ngừ... giúp tăng cường đàn hồi của da, bôi trơn các mô. Người bệnh nên sớm đi khám nếu xuất hiện triệu chứng như đau, tiêu máu, có khối sa hậu môn.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |