Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin là kết quả nghiên cứu mới nhất của Bộ Năng lượng Mỹ đăng tải trên tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường. Nghiên cứu nhằm dự đoán khả năng phơi nhiễm với nitrosamine có nguồn gốc từ thuốc lá (TSNAs), trên những người không hút thuốc nhưng sống trong khu dân cư có khói thuốc.
Theo đó, các nhà khoa học phát hiện ra nicotine trong khói thuốc có thể phủ lên tất cả bề mặt trong nhà, kể cả da người, sau đó tác dụng với phân tử nito trong không khí tạo ra TSNAs. Trong đó, ba hợp chất nguy hiểm nhất được tìm thấy là NNN và NNK được biết đến với khả năng gây ung thư, NNA gây đột biến gen.
Các chất này đi vào cơ thể qua 3 con đường chính: hít thở, nuốt phải và tiếp xúc trực tiếp qua da. Ngoài ra TSNAs có thể hình thành từ sự lắng đọng trong không khí trên bề mặt da, quá trình nitrit hóa nicotine trên biểu bì.
Nồng độ của chúng cao nhất trên bề mặt vải, da người, đặc biệt là da dầu và có mồ hôi. Trẻ nhỏ sống trong ngôi nhà có khói thuốc rất nguy hiểm, bởi ngoài hít hay nuốt phải, bé còn dễ hấp thụ TSNAs qua da vì thường xuyên trườn, bò hoặc tập đi trong nhà.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khói thuốc lá có thể tồn tại nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trong những ngôi nhà có người hút thuốc. Các nhà khoa học tìm thấy nồng độ khói thuốc thụ động vượt mức an toàn trong một ngôi nhà mà chủ nhân đã bỏ hút thuốc 9 năm. Khảo sát các khu vực công cộng, nhà hàng trước kia từng được phép hút thuốc đều cho kết quả tương tự.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thành Đô, nếu tiếp xúc với TSNAs trong thời gian ngắn khoảng vài tuần hoặc vài tháng, ảnh hưởng lên sức khỏe có thể không đáng kể. Tuy nhiên, nếu phơi nhiễm diễn ra trong nhiều năm có thể tăng nguy cơ ung thư, nhiều hệ lụy khác.
Ngay cả khi căn phòng không có mùi khói thuốc, chất độc hại của nó vẫn có thể tồn tại trên đồ vật trong phòng. Do đó theo bác sĩ Đô, cách hiệu quả nhất để loại bỏ khói thuốc thụ động là thay thế hoặc bỏ đi những đồ vật này. Nếu có điều kiện, nên loại bỏ đồ nội thất, trang trí, chẳng hạn như sofa, rèm cửa, thay mới thảm, vách thạch cao và vật liệu khác mà khói thuốc có thể dễ dàng bám vào.
Nếu không thể bỏ hay thay mới đồ đạc, hoặc lượng khói thuốc lưu lại trong nhà không nhiều, các gia đình có thể làm sạch đồ vật, lọc không khí trong phòng để hạn chế tác hại. Bác sĩ Đô gợi ý một số cách sau:
Giặt tất cả các đồ bằng vải: Các nghiên cứu cho thấy khói thuốc bám rất lâu trên đồ vải như quần áo, thảm, rèm cửa, ga trải giường, ghế sofa. Do đó, gia đình chú ý giặt sạch những đồ vật này để loại bỏ khói thuốc. Bạn nên tham khảo hướng dẫn sử dụng của từng loại để có phương pháp làm sạch phù hợp.
Làm sạch không khí trong phòng: Thường xuyên mở cửa sổ sẽ giúp lưu thông không khí tốt hơn, thải bớt khói thuốc ra ngoài. Ngoài ra gia đình cũng có thể sử dụng thêm máy lọc không khí để loại bỏ bớt chất ô nhiễm.
Sơn lại tường: Tường thạch cao đã được chứng minh là một trong những nơi tích tụ khói thuốc nhiều nhất. Nếu không thể thay mới vách tường, gia đình có thể khắc phục bằng cách sơn lại, cũng có thể ngăn chặn một phần tác hại của khói thuốc.
Hoài Phạm