Ngày 10/8, BS.CKI Nguyễn Duy Khương, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là trường hợp đầu tiên được truyền huyết tương thể tích cao, đến 24 lít, để loại bỏ chất độc khỏi máu. Trước đây một số người bệnh điều trị tại Tâm Anh thay nhiều nhất là 8 lít huyết tương. Với bệnh nhân này, bệnh viện phải huy động nguồn huyết tương thể tích cao trong ngân hàng huyết học từ 120 người khỏe mạnh hiến tặng.
Huyết tương là máu sau khi loại bỏ huyết cầu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), chứa các yếu tố đông máu, ở dạng chất lỏng trong suốt, màu vàng nhạt.
Trước đó, anh Tiến được chuyển từ Vũng Tàu lên TP HCM cấp cứu trong đêm, bệnh viện địa phương tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Kết quả xét nghiệm của anh Tiến tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy men gan cao hơn 40 lần, chỉ số bilirubin tăng 15 lần bình thường, chỉ số APTT đánh giá khả năng đông máu khoảng 2,66 (chỉ số bình thường nhỏ hơn 1).
Bác sĩ Khương chẩn đoán người bệnh bị suy gan tối cấp kèm biến chứng rối loạn đông máu trên nền bệnh gan mạn tính do rượu. Suy gan tối cấp khởi phát đột ngột dưới 7 ngày, trong khi suy gan cấp thường kéo dài khoảng 30 ngày. Tình trạng này ít gặp, bởi suy gan tối cấp thường do viêm gan siêu vi A, B hay dùng quá liều acetaminophen (paracetamol), thuốc kháng lao, độc chất. Trường hợp anh Tiến, suy gan tối cấp là do uống rượu.
Bác sĩ chỉ định thay huyết tương thể tích cao ngay cho người bệnh. Mục đích là loại bỏ độc chất khỏi máu, bổ sung các yếu tố đông máu nhằm tạo điều kiện cho gan tự hồi phục. Trong khi, thay huyết tương với thể tích thông thường được chỉ định cho người mắc hội chứng Guillain-Barré, nhược cơ và một số bệnh tự miễn khác.
"Nếu không có nguồn huyết tương sẵn có từ người hiến tặng, người bệnh có nguy cơ phải ghép gan, trong khi nguồn tạng hiến khan hiếm, chi phí ghép gan cao...", bác sĩ Khương nói. Anh Tiến được thay huyết tương ba lần, mỗi lần khoảng 4 tiếng và cách nhau 24-48 tiếng do phải chờ độc chất từ các mô tế bào ngấm lại vào máu. Sau ba đợt điều trị, gan của người bệnh có dấu hiệu hồi phục.
Nhiều trường hợp tổn thương gan quá mức, diễn tiến nặng không điều trị kịp khiến gan không còn khả năng hồi phục, chỉ còn cách chờ phẫu thuật ghép gan. "Trường hợp bệnh nhân Tiến rất may mắn", bác sĩ Khương nói.
Huyết tương chiếm 4-6% trọng lượng cơ thể. Với thay huyết tương thể tích cao, 8 lít huyết tương được sử dụng, tương đương 15% trọng lượng cơ thể, gấp 2-3 lần thể tích của người bệnh, trong khi thay huyết tương thông thường chỉ khoảng 4 lít (gấp 1,5 lần). Chính nhờ thể tích cao nên hiệu quả điều trị cho mỗi lần thay thế đến 85% (thay huyết tương thông thường chỉ khoảng 75%). Phương pháp này phù hợp với những trường hợp khẩn cấp, khi lượng độc chất trong cơ thể tăng gấp nhiều lần bình thường, cần đưa về mức bình thường càng sớm càng tốt.
Tùy tình trạng suy gan, bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp. Khi chỉ số bilirubin vượt mức 250 μmol/L, người bệnh suy gan cấp cần được thay huyết tương, tránh biến chứng não gan, phù não, co giật, suy thận, biến chứng phổi, tử vong.
Để phòng suy gan, bác sĩ Khương khuyến cáo người mắc bệnh gan cần hạn chế uống rượu bia, tiêm phòng viêm gan virus B, duy trì cân nặng ổn định, có lối sống lành mạnh. Người bệnh viêm gan virus B, C nên theo dõi, điều trị và ăn uống đủ dinh dưỡng, chọn thực phẩm tốt cho gan như tỏi, quả mọng...
Đức Trí
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |