Gan có chức năng sản xuất, tiết mật giúp chuyển hóa carbohydrate, chất béo, protein, sản xuất các chất cần thiết cho quá trình đông máu. Cơ quan này có vai trò lọc và loại bỏ các chất độc hại như rượu ra khỏi máu.
Rượu đi vào dạ dày, ruột, hấp thụ vào máu. Máu chứa rượu được vận chuyển đến gan. Tế bào gan sử dụng các enzyme để chuyển hóa ethanol (cồn) thành chất độc là acetaldehyde và acetate. Quá trình chuyển hóa rượu có thể làm tăng sản xuất các chất gây tổn thương tế bào gan. Các chất béo cũng hình thành và lưu trữ trong gan nhiều hơn, dẫn đến viêm gan, xơ gan.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết quá trình chuyển hóa rượu, tích tụ chất béo trong gan là yếu tố hình thành viêm và xơ hóa. Xơ gan do rượu là tình trạng mô sẹo dần thay thế mô gan khỏe mạnh. Quá trình này làm gián đoạn lưu lượng máu qua gan, cản trở khả năng hoạt động bình thường của cơ quan này, làm suy yếu các chức năng thiết yếu như giải độc, tổng hợp protein, dự trữ chất dinh dưỡng. Viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan lâu ngày có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe.
Theo bác sĩ Khanh, lượng rượu và thời gian sử dụng rượu để dẫn tới viêm gan, xơ gan do rượu có thể khác nhau tùy theo từng người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra lượng rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở nam giới là hai đơn vị tiêu chuẩn một ngày hoặc hơn 14 đơn vị trên tuần. Phụ nữ là hơn một đơn vị tiêu chuẩn mỗi ngày hoặc hơn 7 đơn vị mỗi tuần. Đơn vị rượu tiêu chuẩn tương đương 14 g nguyên liệu cồn, một ly bia (355 ml), một ly rượu vang (148 ml) hoặc một ly rượu mạnh (44 ml).
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc viêm gan, xơ gan như phụ nữ, yếu tố di truyền, người mắc viêm gan do virus B và C, gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh máu nhiễm sắc tố (tình trạng tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể), béo phì, hút thuốc lá...
Người bệnh xơ gan có nguy cơ cao mắc ung thư biểu mô tế bào gan, loại ung thư chiếm phần lớn các trường hợp ung thư gan. Bác sĩ Khanh giải thích các tế bào gan bị tổn thương do xơ gan, viêm mạn tính dẫn đến đột biến gene, tăng nguy cơ ung thư. Người mắc bệnh xơ gan giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh tiến triển thường có các biểu hiện mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, chán ăn, chướng bụng...
Người bệnh nên theo dõi bệnh giúp phát hiện sớm dấu hiệu ung thư gan, từ đó cải thiện đáng kể kết quả điều trị và chất lượng sống. Xơ gan không thể phục hồi, song có nhiều phương pháp điều trị góp phần kiểm soát triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh.
Phòng ngừa xơ gan và biến chứng có thể giảm nguy cơ ung thư gan bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi tiến triển bệnh, xác định các biến chứng tiềm ẩn. Thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm, đo đàn hồi gan, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ nếu nghi ngờ có khối u ở gan.
Sống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, không uống quá nhiều rượu bia, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tình dục an toàn phòng ngừa nhiễm virus viêm gan, cũng góp phần bảo vệ cơ quan này.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |