Vùng bên phải cổ của ông Long sưng to, từ bên trái cổ đến ngực đau dữ dội. Ông không tự ăn uống được, không thể nói, thở nhanh, lơ mơ. Kết quả xét nghiệm cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng, số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi, CRP, procalcitonin (chỉ số đánh giá tình trạng viêm, nhiễm trùng) đều tăng cao.
Phim chụp cắt lớp vùng cổ ngực bệnh nhân ghi nhận hình ảnh ổ dịch (áp xe) cùng nhiều hốc khí lan rộng từ sàn miệng qua vùng cổ bên phải đến chỗ vỡ xoang lê (thành trước bên họng). Ổ áp xe lan rộng toàn bộ vùng cổ, phía trước lan qua khí quản đến cổ bên trái, phía sau lan ra đến cột sống cổ và sau khí quản, phía dưới đi sâu vào trong trung thất trước (phần ngực ở giữa hai phổi, phía trước tim và ngay sau xương ức).
Ngày 12/1, Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Long bị viêm trung thất độ 2A, cần mổ cấp cứu kết hợp hồi sức do sốc nhiễm trùng nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thúc Khang, khoa Phẫu thuật Tim Mạch và Lồng ngực, cho biết mục đích của phẫu thuật là xẻ rộng áp xe vùng cổ, làm sạch tổ chức mủ, cắt lọc sạch toàn bộ các tổ chức hoại tử, phá vỡ tất cả ngóc ngách của ổ áp xe vùng cổ, trung thất, đồng thời dẫn lưu trung thất qua đường cổ và để hở.
Kíp mổ đạt được mục tiêu đề ra, nhưng bệnh nhân bị áp xe vùng cổ sâu lan xuống gây viêm trung thất nên cần điều trị lâu dài.
Sau mổ, ông Long bị sốc nhiễm trùng nặng, suy thận, suy tim, loạn nhịp tim, nguy kịch. Bác sĩ Huy đánh giá đây là ca bệnh tiên lượng tử vong cao do nhiễm trùng nặng trên cơ địa tiểu đường. Người bệnh có đường huyết cao, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng lan rộng nhanh chóng.
Người bệnh được dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, kháng sinh mạnh phổ rộng phối hợp điều trị nhiễm trùng, tiêm insulin kiểm soát đường huyết, thở máy và lọc máu liên tục. Các biện pháp này nhằm điều trị sốc nhiễm trùng, suy thận cấp tính. Người bệnh được thay băng, chăm sóc vết thương hàng ngày.
Bác sĩ Huy cho biết thành khoang miệng của ông Long bị thủng rộng do nhiễm trùng, tạo sự thông thương giữa miệng và vết mổ vùng cổ, thông vào trung thất. Nếu không giải quyết được sự thông thương này, quá trình nhiễm trùng khó kiểm soát. Vết thương không lành dễ kéo theo nhiều hệ lụy như áp xe trung thất, mủ màng phổi, thở máy kéo dài, viêm phổi, suy dinh dưỡng... phải điều trị hồi sức lâu dài.
Sau 13 ngày điều trị, vết thương của ông Long sạch, thể trạng cải thiện. Ông được tạo hình vạt cơ ức chũm có cuống để đóng kín lỗ thông giữa khoang miệng và vết thương; cắt lọc, đóng vết thương vùng cổ.
Sau hai tuần, ông được ngưng thở máy, rút nội khí quản, giọng nói rõ, nuốt được, vết thương vùng cổ tốt. Các xét nghiệm về nhiễm trùng cải thiện và ông được xuất viện sau một tháng.
Theo bác sĩ Khang, viêm trung thất do các áp xe sâu ở vùng cổ lan xuống ít gặp, nhưng đây là nhiễm trùng rất nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Đinh Tiên
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |