Anh Hoàng mắc bệnh cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp) hơn hai năm nay, thường quên uống thuốc. Gần đây, bướu cổ phì đại nhanh khiến anh khó thở, ăn uống hay nghẹn, mệt nhiều khi leo cầu thang.
Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy tuyến giáp người bệnh to gấp 4-5 lần bình thường, kích thước hai thùy khoảng 12-14 cm. Mô giáp tăng sinh nhiều.
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội Tiết - Đái tháo đường, cho biết người bệnh cần cần phẫu thuật cắt bỏ một phần mô giáp để giải phóng áp lực chèn ép lên khu vực khí quản và thực quản. Tuy nhiên, do cường giáp diễn tiến phức tạp, bệnh nhân được điều trị bình ổn chức năng tuyến giáp bằng chế phẩm iốt chuyên dụng trước.
Hội chẩn đa chuyên khoa, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, đánh giá các mô của tuyến giáp chai cứng, có nhiều mạch máu tăng sinh dễ gặp biến chứng trong khi mổ như chảy máu, suy hô hấp cấp, tổn thương khí quản, thanh quản, mạch máu... Người bệnh có thể khàn tiếng hoặc mất giọng sau mổ. Để phòng ngừa, bác sĩ đánh giá tình trạng đông máu, bệnh cường giáp và chức năng tim, hô hấp trước mổ.
Ê kíp phẫu thuật đặt một ống nhỏ ở tĩnh mạch dưới đòn luồn vào tĩnh mạch chủ (catheter tĩnh mạch trung tâm) để theo dõi áp lực và truyền dịch, thuốc khi cần. Dao siêu âm giúp bác sĩ giảm mất máu cho bệnh nhân khi phẫu thuật, đồng thời quan sát rõ các cấu trúc quan trọng để bóc tách, cắt bỏ bướu cổ.
Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định, không mất giọng hay khàn tiếng, hết khó thở, không còn nghẹn khi ăn uống, sức khỏe tốt và xuất viện sau ba ngày.
Bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết bướu cổ là sự phì đại bất thường của tuyến giáp (y khoa gọi là bướu giáp). Tuyến giáp phì đại liên quan đến nhiều loại bệnh tuyến giáp khác nhau. Bướu cổ cũng có thể xảy ra kèm với bệnh cường giáp (sản xuất ra nhiều hormone giáp) hoặc suy giáp (sản xuất ít hoặc không sản xuất hormone giáp).
Nguyên nhân phổ biến gây bệnh bướu cổ cùng với cường giáp là bệnh Basedow - tình trạng hệ thống miễn dịch tạo ra nhiều globulin miễn dịch, kích thích tuyến giáp khiến các mô tuyến giáp to, hình thành bướu cổ. Triệu chứng điển hình của bệnh Basedow là xuất hiện bệnh cường giáp với bướu giáp lan tỏa, có thể kèm theo lồi mắt.
Bướu lớn chèn ép lên các dây thần kinh vùng cổ có thể làm liệt dây thần kinh thanh quản, khó thở, khó nuốt. Bệnh tác động đến toàn thân gây ra hội chứng cường giáp như sụt cân, mất ngủ, nóng nực, hồi hộp, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, cơn nhịp nhanh, lao phổi thuyên tắc mạch, đột quỵ, lồi mắt... Bướu càng lớn phẫu thuật càng dễ mất máu, biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Khuyên cho biết điều trị bướu cổ tùy vào tình trạng bệnh, có thể điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần, toàn bộ tuyến giáp. Sau mổ, người bệnh phải bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời để kiểm soát mức độ hormone tuyến giáp, duy trì sức khỏe ổn định.
Phương pháp điều trị bằng iốt phóng xạ giúp phá hủy mô tuyến giáp được chỉ định trong trường hợp bướu cổ không đáp ứng điều trị nội khoa, người bệnh không muốn hoặc không thể phẫu thuật, bệnh tái phát sau mổ...
Triệu chứng bướu cổ dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bác sĩ Khuyên khuyến cáo người bệnh đi khám khi thấy cơ thể bất thường. Phát hiện và điều trị kịp thời giúp hiệu quả cao, tránh biến chứng.
Đinh Tiên
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |