Tôi không biết bệnh này là gì, có nguy hiểm không? Khối bướu có phải ác tính không, chữa trị thế nào thưa bác sĩ? (Hồng Hà, 63 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Bướu giáp nhân thùy phải là tình trạng thùy phải của tuyến giáp xuất hiện các nốt phình to hay một khối u còn gọi là nhân giáp. Các nguyên nhân gây bướu nhân thùy phải tuyến giáp là sản xuất hormone tuyến giáp không hiệu quả, viêm tuyến giáp, u tuyến giáp, thiếu iốt... Tỷ lệ phụ nữ mắc bướu giáp nhân thùy phải cao hơn nam giới.
Nhân giáp có thể lành tính hoặc ác tính. Bướu giáp nhân thùy phải thường không có triệu chứng rõ ràng đến khi bướu lớn xuất hiện khối u ở cổ bên phải. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy nặng nề, khó nuốt, khó thở, khàn giọng, đau cổ. Khi nghi ngờ, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách nhìn hoặc sờ vào tuyến giáp, sau đó siêu âm xác định vị trí và đặc điểm của nhân tuyến giáp; xét nghiệm máu đo nồng độ hormone T3, T4 (hormone tuyến giáp) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Người bệnh có thể được sinh thiết bằng kim nhỏ, xác định nhân lành tính hay ác tính.
Trên 95% bướu giáp nhân thùy phải lành tính, dưới 5% trường hợp ung thư. Ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư dễ điều trị nhất. Ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện sớm, kết quả điều trị sẽ tốt hơn. Phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Trường hợp ung thư tái phát và lây lan sang tế bào khác sau khi cắt bỏ tuyến giáp chiếm tỷ lệ nhỏ. Người đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp có thể dùng hormone tuyến giáp.
Bướu giáp nhân thùy phải được chia ra 3 loại để điều trị: bướu giáp lành tính, bướu giáp ác tính, bướu giáp nhân thùy phải tiết quá nhiều hormone.
Điều trị bướu giáp lành tính: Hầu hết bệnh nhân có bướu giáp nhân thùy phải lành tính không cần điều trị đặc hiệu. Bác sĩ chỉ định uống thuốc nhằm ngăn chặn sự phát triển hoặc giảm kích thước của nhân. Bác sĩ có thể cắt bỏ loại bướu lành tính này khi người bệnh có các yếu tố như: nam giới dưới 40 tuổi, từng xạ trị đầu hoặc cổ, có hạch to ở cổ, gặp vấn đề về nói và nuốt, tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
Phương pháp cắt bỏ bằng tần số sóng vô tuyến (RFA - đốt sống cao tần) thường sử dụng cho bướu lành tính. Cắt bỏ bằng tần số sóng vô tuyến sử dụng một đầu dò để tiếp cận khối u, sau đó xử lý bằng dòng điện và nhiệt để làm khối u nhỏ lại.
Điều trị bướu giáp ác tính: Người có bướu giáp nhân thùy phải ác tính cần cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Các hạch bạch huyết ở cổ được kiểm tra, xác định khối u đã lan ra ngoài hay chưa. Phương pháp điều trị tiếp theo phụ thuộc vào những phát hiện khi phẫu thuật. Một số người bệnh có thể đặt hormone tuyến giáp và theo dõi xét nghiệm máu, siêu âm. Trong khi các trường hợp khác sẽ dùng iốt phóng xạ để phá hủy mô tuyến giáp còn sót lại, sau đó theo dõi bằng xét nghiệm máu và siêu âm.
Điều trị nhân giáp tiết quá nhiều hormone: Loại này được điều trị bằng nhiều cách bao gồm điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Tùy từng trường hợp bệnh nhân và chống chỉ định của từng phương pháp mà áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh bướu giáp nhân thùy phải đang điều trị bằng thuốc hay đã phẫu thuật cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Bướu lành tính không phẫu thuật cần theo dõi lâu dài, nếu không thấy bướu tăng kích thước cần theo dõi từ 3-5 năm. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp uống thuốc, ăn uống, tập luyện, tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dù bướu giáp nhân thùy phải không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng vẫn có 5% trường hợp có bướu ác tính. Do vậy, người bệnh có bất thường hoặc nghi ngờ bướu giáp nên đến bác sĩ nội tiết để được thăm khám. Điều trị sớm bướu giáp nhân thùy phải giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
BS.CKI Trần Đông Hải
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM