Khô mắt, khô miệng là một tình trạng thường gặp ở những người mắc các bệnh lý rối loạn hệ thống miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống... ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh, Khoa Lão khoa Cơ xương khớp - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, tình trạng này được gọi là hội chứng khô (Sjogren), một bệnh lý tự miễn, đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng của các tuyến ngoại tiết.
Ở hội chứng khô, tuyến nước bọt và tuyến lệ là hai tuyến bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì chức năng tuyến lệ suy giảm, người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát mắt hoặc khô, cộm khi chớp mắt. Trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến tình trạng viêm giác mạc gây đỏ mắt; lâu ngày sẽ phát triển thành biến chứng suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa. Đối với triệu chứng khô miệng, nước bọt tiết ra rất ít, người bệnh luôn cảm thấy khô miệng và muốn uống nước nhiều. Theo thời gian, khô miệng làm xuất hiện tình trạng nuốt khó, nhiễm trùng hệ răng miệng, sâu răng, viêm nướu...
Không chỉ ảnh hưởng đến mắt và miệng mà hội chứng khô còn tấn công, làm xuất hiện bất thường ở nhiều cơ quan khác trên cơ thể như đau, sưng, cứng khớp và trầm trọng thêm các bệnh lý về khớp đang tồn tại; sưng đau các tuyến mang tai; khó thở, ho khan kéo dài do phổi bị tổn thương; tác động đến thận gây suy thận; viêm tụy cấp, gây đau bụng và nôn ói; thiếu máu, ung thư hạch bạch huyết; các vấn đề về thần kinh khác... Những bất thường này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh, đặc biệt là người mắc các bệnh cơ xương khớp nên thông báo với bác sĩ ngay khi xuất hiện dấu hiệu của hội chứng khô.
Hiện nay, y học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng khô. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng này, bao gồm nhiễm virus, phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới, người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc hội chứng này... Đặc biệt, hội chứng khô thường xảy ra ở những người mắc các bệnh viêm khớp.
Bác sĩ Ngô Tuấn Anh chia sẻ, đối với người bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống... các vấn đề về bệnh lý cần được điều trị đồng thời với hội chứng khô. Đối với triệu chứng khô mắt, bác sĩ sẽ được chỉ định dùng nước mắt nhân tạo và các thuốc kích thích tuyến lệ, tăng tiết nước mắt để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Để điều trị tình trạng khô miệng, người bệnh sẽ được kê đơn các loại thuốc tăng kích thích tuyến nước bọt, từ đó tăng tiết nước bọt, giảm khô miệng. Bên cạnh đó, là một bệnh lý tự miễn, nên hệ thống miễn dịch của người mắc hội chứng khô không loại bỏ các yếu tố gây hại cho cơ thể mà tấn công nhầm vào các tế bào và mô khỏe mạnh. Vì vậy, để kiểm soát tình trạng này, người bệnh có thể được chỉ định thêm các loại thuốc ức chế miễn dịch nhằm kiểm soát hoạt tính bệnh. Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ, do đó, người bệnh cần được bác sĩ tư vấn và dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Bên cạnh việc dùng thuốc, để giảm bớt khó chịu do hội chứng khô mang lại, người bệnh nên tăng độ ẩm của môi trường xung quanh, hạn chế để mắt và miệng tiếp xúc trực tiếp với luồng không khí như ngồi trước quạt; không hút thuốc lá; uống nhiều nước nhưng tránh cà phê, rượu và các loại đồ uống có tính axit; nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt; dùng nước muối sinh lý để vệ sinh, dưỡng ẩm và thông thoáng đường thở, tránh thở bằng miệng...
Phi Hồng